Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra không ít vụ thuê xe ô tô tự lái mang đi cầm cố, thế chấp. Dù chiêu trò này không mới, song vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh bị “sập bẫy”.
Hình thức thuê xe ô tô tự lái ngày càng nở rộ (ảnh minh hoạ).
Nắm bắt nhu cầu của người dân thuê xe ô tô để đi du lịch, công việc, nhiều cơ sở cho thuê xe đã mở thêm dịch vụ cho thuê xe tự lái với hình thức, mức giá khác nhau. “Xe ô tô cho thuê thường là 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ. Đa phần khách hàng đều là người quen biết, bạn bè, họ hàng. Để thu hút khách hàng, tôi thường xuyên đăng thông tin cho thuê xe với giá ưu đãi lên mạng xã hội. Đối với khách quen chỉ cần trả tiền là có thể thuê xe. Nếu khách lạ, lần đầu muốn thuê xe, chúng tôi sẽ lập hợp đồng giao dịch, thanh toán tiền đầy đủ…”- anh H.T (ngụ TP.Tây Ninh) cho biết.
Tuy nhiên, không ít cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này còn khá chủ quan, ít quan tâm đến lý lịch của khách, hình thức quản lý còn lỏng lẻo. Vì vậy, đã tạo ra những kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng. Trước đây, TAND TP.Tây Ninh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Anh Toàn 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vào ngày 2.7.2019, Toàn đến nhà ông P.A.Q (ngụ phường 3, TP.Tây Ninh) để thuê xe ô tô đi Bến Tre từ ngày 2 - 6.7. Gia đình ông Q đồng ý cho thuê với giá thoả thuận ngày đầu là 700.000 đồng, ngày thứ hai trở đi là 500.000 đồng/ngày. Sau khi nhận xe, qua người quen giới thiệu, Toàn điều khiển xe đến một cửa hàng dịch vụ cầm đồ ở xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu. Tại đây, Toàn đã thế xe ô tô cho chủ cửa hàng là anh T.H.M với số tiền 300 triệu đồng.
Khi nhận được tiền, Toàn đem trả nợ, còn dư lại gần 44 triệu đồng mang cá cược bóng đá qua mạng và tiêu xài cá nhân. Đến ngày 6.7, hết thời hạn hợp đồng thuê xe ô tô, ông Q gọi điện, Toàn nói dối xe vi phạm giao thông nên bị lực lượng Công an tạm giữ, hẹn ông Q đến ngày 9.7 sẽ trả xe. Ngày 10.7, Toàn vẫn không trả xe nên ông Q làm đơn tố cáo đến Công an TP.Tây Ninh để giải quyết.
Hay trước đó, khoảng 9 giờ ngày 26.2.2020, N.T.N (ngụ xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) đến nhà ông C.V.S thuê xe ô tô hiệu Toyota Innova, với giá 500 ngàn đồng/ ngày. Sau khi thuê được ô tô, N điều khiển xe xuống khu vực huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đánh bạc, thua tiền nên N thế chấp xe ô tô thuê với số tiền 150 triệu đồng. Đến hẹn, chủ xe nhiều lần gọi điện thoại đòi lại xe nhưng N lẩn tránh. Ông S làm đơn tố cáo. Với hành vi, thủ đoạn trên, N đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Có thể thấy, thủ đoạn của các đối tượng không mới, nhưng do người dân thiếu cảnh giác nên dễ bị lừa đảo. Mặt khác, hiện nay, một số chủ tiệm cầm đồ hay người nhận cầm cố tài sản vẫn còn “hời hợt” trong ký kết hợp đồng thuê xe giữa các bên, có khi chỉ là thoả thuận, thủ tục rất đơn giản.
Theo một chủ tiệm cầm đồ ở huyện Dương Minh Châu, trong trường hợp cầm xe ô tô chính chủ thì thủ tục rất đơn giản. Khách hàng cần cung cấp một số giấy tờ như chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, giấy đăng ký xe ô tô, giấy đăng kiểm.
Phía tiệm cầm đồ sẽ kiểm tra xe và làm hợp đồng cầm cố. Còn thủ tục cầm xe ô tô không chính chủ đòi hỏi phức tạp hơn, như chứng minh nhân dân, giấy đăng kiểm xe, giấy đăng ký xe, giấy uỷ quyền hoặc giấy mua bán có công chứng của chủ xe đối với người đi cầm.
Ông Lê Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cho biết, tuỳ theo hành vi, tính chất, mức độ phạm tội mà người thực hiện hành vi thuê xe rồi mang cầm cố có thể bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Bộ luật Hình sự) hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175, Bộ luật Hình sự).
Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của hai tội này hoàn toàn khác nhau. Hình phạt quy định với tội lừa đảo nặng hơn so với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi lừa dối được người phạm tội thực hiện trước thời điểm thực hiện sự giao kết, thoả thuận.
Việc thực hiện sự giao kết, thoả thuận trong trường hợp này là sau khi người phạm tội đã chiếm được lòng tin của người bị hại. Như vậy, hành vi lừa dối xảy ra trước hành vi chiếm đoạt, là điều kiện để hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra, không có hành vi lừa dối thì không thể chiếm đoạt được tài sản.
Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn khác với người lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù sự chiếm đoạt tài sản có tính chất gian dối. Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng cách vay, mượn, thuê, hợp đồng với chủ tài sản để chủ tài sản giao tài sản cho người phạm tội. Họ nhận được tài sản từ chủ tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng. Sau khi nhận được tài sản người phạm tội mới thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản ấy.
Trong trường hợp này, chủ tiệm cầm đồ, người nhận cầm cố tài sản phải trả lại tài sản cho chủ sỡ hữu, vì đây là giao dịch dân sự vô hiệu. Đồng thời, theo khoản 2, Điều 11, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định chủ tiệm cầm đồ hay người cầm cố tài sản có hành vi cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy uỷ quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu chủ tiệm cầm đồ biết tài sản cầm cố đó là do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn thực hiện giao dịch thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323, Bộ luật Hình sự).
Để hạn chế tình trạng này, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước khuyến cáo, trước khi cho thuê, chủ xe cần phải kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của người thuê, nắm rõ thông tin về nhân thân, không nên giao xe cho đối tượng đáng nghi. Chủ xe nên gắn giám sát hành trình trên xe cho thuê để có thể kiểm soát hành trình của xe.
Cần có hợp đồng ràng buộc quyền, nghĩa vụ giữa các bên theo quy định pháp luật. Trong quá trình cho thuê xe, chủ xe cần thường xuyên trao đổi thông tin với người thuê xe để biết được hiện trạng của xe. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, chủ xe kịp thời báo với cơ quan công an nơi gần nhất để ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
THIÊN DI