Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thượng đỉnh 'Bộ tứ kim cương' bàn an ninh và tự do hàng hải
Thứ tư: 11:35 ngày 25/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhóm Bộ tứ tiếp tục khẳng định mối quan tâm với an ninh, ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN.

Ngày 24-5, lãnh đạo các nước thành viên nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD - gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) đã có phiên họp thượng đỉnh ở thủ đô Tokyo. Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba và là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần thứ hai của nhóm, sau hội nghị trực tuyến hồi tháng 3 và hội nghị trực tiếp diễn ra tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) hồi tháng 9 năm ngoái.

Vì hòa bình, ổn định khu vực

Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Nhật Kishida Fumio cho biết lãnh đạo bốn nước đã trao đổi và cam kết phản đối mọi nỗ lực đơn phương dùng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở bất kỳ nơi đâu, đặc biệt tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD).

“Bốn nhà lãnh đạo đã thảo luận thẳng thắn về tác động của tình hình Ukraine đối với khu vực AĐD - TBD. Chúng tôi bày tỏ quan ngại về cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời khẳng định các nguyên tắc như pháp quyền, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cần được tuân thủ ở bất kỳ khu vực nào” - ông Kishida nói.

Cũng tại phiên thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật, đồng thời tuyên bố liên minh Mỹ - Nhật là “nền tảng” của hòa bình ở khu vực AĐD - TBD. Về phần mình, Thủ tướng Kishida Fumio đã hoan nghênh việc ông Biden tới thăm Nhật và coi đây là biểu tượng cho cam kết của Mỹ với khu vực này.

Theo ông Kishida, Bộ tứ có kế hoạch đầu tư ít nhất 50 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng ở khu vực AĐD - TBD. Ngoài ra, Nhật cũng ủng hộ hiệp ước an ninh do Mỹ, Anh và Úc thành lập, được gọi là AUKUS, nhưng không có kế hoạch tham gia khuôn khổ này.

Tuyên bố chung sau hội nghị nêu rõ nhóm Bộ tứ lên án “việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, việc sử dụng các tàu tuần duyên và lực lượng dân quân biển một cách nguy hiểm, những nỗ lực nhằm làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác”. Theo AFP, đây đều là những hoạt động mà Trung Quốc (TQ) bị cáo buộc thực hiện trong khu vực. Tuy nhiên, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ tránh chỉ trích TQ hoặc Nga một cách trực diện.

Các lãnh đạo Bộ tứ bày tỏ sự ủng hộ cho thông báo chung của Liên minh châu Âu (EU) về chiến lược của EU trong hợp tác ở AĐD - TBD mà khối này đã công bố hồi năm ngoái. Bên cạnh đó, nhóm Bộ tứ cũng cam kết tôn trọng triệt để luật pháp quốc tế, nhất là những nội dung được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và ủng hộ việc duy trì tự do hàng hải và hàng không nhằm đối phó các thách thức đối với trật tự dựa trên các quy tắc hàng hải, trong đó có ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nhóm Bộ tứ cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN đối với khu vực cũng như việc triển khai trên thực tế tầm nhìn ASEAN về AĐD - TBD (AOIP).

Bộ tứ cần làm nhiều hơn

Giới chuyên gia nhận định với tuyên bố chung như trên, các thành viên nhóm Bộ tứ nhìn chung đều nỗ lực và có thiện chí hướng tới hợp tác và tiến bộ có lợi cho AĐD - TBD. Tuy vậy, nhóm Bộ tứ vẫn được kỳ vọng phải làm nhiều hơn nữa để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, theo tờ The Nikkei. Để có được hiệu quả lâu dài, Bộ tứ phải đảm bảo sự thích ứng với các khủng hoảng đang diễn ra. Với những lo ngại mới về các kế hoạch của TQ đối với Đài Loan, hay an ninh ở Biển Đông và AĐD - TBD, các chuyên gia cho rằng nhiệm vụ đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực của nhóm Bộ tứ sẽ phải cần được chú trọng hơn.

Lãnh đạo các nước thành viên nhóm QUAD dự thượng đỉnh ngày 24-5 ở thủ đô Tokyo.
Ảnh: CNN

Hiện nay, mối quan hệ giữa các thành viên trong Bộ tứ cũng không ngừng được củng cố thông qua các thỏa thuận hợp tác và hiệp định thương mại. Đáng chú ý nhất, Úc, Anh và Mỹ đã tham gia vào quan hệ đối tác an ninh AUKUS, giúp tăng tiềm năng của quân sự của Úc và thắt chặt quan hệ công nghệ quốc phòng Mỹ - Úc.

Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ hợp tác an ninh của Bộ tứ không tiến triển nhanh, một phần vì nhóm không muốn tạo ra căng thẳng với các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như ASEAN. Ngoài ra, cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy nhóm Bộ tứ có những quan điểm khác nhau. Trong khi Nhật và Úc có quan hệ chặt chẽ với Mỹ và NATO, lên án và trừng phạt Nga thì Ấn Độ lựa chọn trung lập vì vẫn phụ thuộc vào Nga.

Theo GS Brahma Chellaney, thay vì chỉ tập trung đối đầu quyền lực kinh tế và địa chính trị của TQ, nhóm Bộ tứ cũng nên coi việc hợp tác kinh tế, bao gồm cả tăng cường trao đổi thương mại giữa các thành viên là trọng tâm trong chương trình nghị sự của nhóm.

“Bộ tứ phải chứng minh sự hiệu quả, hữu ích đối với các thành viên và cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề chung. QUAD phải củng cố và thực hiện các sáng kiến hiện có, cũng như đa dạng sự tham gia của các đối tác và tổ chức cùng chí hướng” - GS Chellaney nhận định trên tạp chí Foreign Affair.

Thậm chí, bốn thành viên của Bộ tứ cũng phải linh hoạt cho sự phát triển toàn cầu, nỗ lực xây dựng mối quan hệ, định hình lại các ưu tiên, mở rộng hơn việc hợp tác kinh tế, thương mại. Ông Dhruva Jaishankar, Giám đốc điều hành của Quỹ Nghiên cứu ORF, cho rằng điều quan trọng hơn cả là nhóm Bộ tứ cần tập trung vào việc tăng cường cam kết an ninh, thảo luận về các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong khu vực, tạo các cơ chế và thành lập đội phản ứng nhanh để đối phó với các cuộc khủng hoảng địa chính trị trong khu vực.•

Tân Thủ tướng Úc lên tiếng về quan hệ với Trung Quốc

Hãng tin Reuters ngày 23-5 dẫn lời tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese dự đoán rằng mối quan hệ của nước này với TQ tới đây sẽ vẫn là “một mối quan hệ đầy khó khăn”.

Nhận định trên được ông Albanese đưa ra trước khi ông lên đường tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ ở Nhật với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo của Nhật và Ấn Độ.

“Chính TQ đã thay đổi, không phải Úc và Úc phải luôn bảo vệ các giá trị của chính mình và chúng ta sẽ làm như thế trong chính phủ do tôi lãnh đạo” - ông Albanese nói trong cuộc họp báo với giới truyền thông.

Quan hệ giữa Úc và TQ, đối tác thương mại lớn nhất của Canberra, đang ở mức thấp sau khi hai bên xung đột về một số vấn đề bao gồm thương mại và nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Nhiều chuyên gia cho biết họ sẽ theo dõi xem liệu quan điểm cũng như các chính sách của tân Thủ tướng Albanese đối với TQ có ít cứng rắn hơn và liệu các cuộc họp cấp bộ trưởng giữa hai nước có được nối lại sau hơn hai năm bị gián đoạn hay không.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục