Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thượng đỉnh G7 còn nhiều bất đồng
Thứ hai: 20:36 ngày 26/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những dấu hiệu đầu tiên của sự rạn nứt đã xuất hiện trong giới lãnh đạo G7 về vấn đề Iran, trong khi các bên chưa đạt được đồng thuận về viễn cảnh mời Nga quay lại.

Các lãnh đạo nhóm G7 họp bàn nhiều vấn đề ngày 25.8. Ảnh Reuters

Các lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra tại Biarritz (Pháp) từ ngày 24 - 26.8, đã tiến hành thảo luận các vấn đề cấp bách đối với an ninh thế giới, và một lần nữa cho thấy dấu hiệu chia rẽ.

Theo tờ The Guardian, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất kế hoạch nhằm giải tỏa căng thẳng tại vùng Vịnh bằng cách dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran để thuyết phục Tehran tiếp tục thực hiện cam kết theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Điện Élysée hôm qua 25.8 ra tuyên bố với nội dung G7 đã nhất trí ủng hộ sáng kiến của Pháp và ủy quyền cho ông Macron chuyển thông điệp tới phía Tehran.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức lên tiếng bác bỏ khi nói rằng “Tôi không hề thảo luận vấn đề đó”. Đến tối qua (giờ VN), Reuters đưa tin Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bất ngờ đến nơi đang diễn ra Hội nghị G7. Một nguồn tin từ Điện Élysée tiết lộ ông Zarif có cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian. Mục đích của chuyến đi nhằm đánh giá các điều kiện có thể giảm căng thẳng với Mỹ và cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, tuy nhiên không có cuộc gặp nào với phía Washington được lên lịch.

Cũng trong hôm qua, Tổng thống Trump cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc gây nên bầu không khí căng thẳng tại Hội nghị G7 và cho rằng “Họ tôn trọng chiến tranh thương mại. Nó cần phải diễn ra”, theo Reuters. Trong khi đó, các thành viên châu Âu của G7 đã liên tục bày tỏ quan ngại về mối đe dọa của thương chiến Mỹ - Trung đối với nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 25.8, trong cuộc gặp đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói thẳng với Tổng thống Trump: “Chúng tôi chẳng thích thuế quan”. Ông Trump sau đó nói chưa vội tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà theo đó có thể trao cho ông quyền yêu cầu các công ty Mỹ rút hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.

Cùng ngày, Hãng Bloomberg đưa tin Tổng thống Trump đang cân nhắc khả năng mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Mỹ vào năm sau. Trả lời về vấn đề trên, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow sẽ suy nghĩ về việc này nếu nhận được lời mời chính thức từ Washington. Trong khi đó, AFP dẫn nguồn thạo tin tiết lộ các lãnh đạo G7 ủng hộ gia tăng hợp tác với Nga, nhưng cho rằng vẫn còn quá sớm để “kết nạp lại” Moscow vào nhóm.

Trước khi G7 diễn ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố EU bác bỏ sáng kiến mời Nga và muốn thuyết phục giới lãnh đạo mời Ukraine tham gia G7 năm 2020. Cơ chế G8 đã tồn tại từ năm 1998 nhưng Nga bị loại khỏi nhóm sau quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. G7 cũng cáo buộc Moscow can thiệp vào nội bộ Ukraine và áp lệnh cấm vận Nga vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Nga bác bỏ mọi cáo buộc.

Nguồn TNO

Tin cùng chuyên mục