Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thương lắm, áo dài ơi!
Thứ sáu: 12:22 ngày 06/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ ngày 2 - 8.3 là tuần lễ mặc áo dài của phụ nữ cả nước, đây là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện “Áo dài - Di sản văn hoá Việt Nam” do Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3.

“Áo dài” là trang phục truyền thống, quốc phục của phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo vừa kiêu sa vừa bình dị, vừa kín đáo lại vừa khêu gợi; tưởng mảnh mai, yếu đuối nhưng lại rất mạnh mẽ kiên cường… Sự độc đáo của áo dài không bút nào tả xiết, đến nỗi trong tiếng Anh phải giữ nguyên không dịch được từ này, giống như từ “phở”, bởi đó là hồn cốt văn hoá Việt không lẫn vào đâu được, cho nên “… dù ở đâu, Pari, Luân Đôn, hay những miền xa, thoáng thấy áo dài, bay trên đường phố, đã thấy tâm hồn, quê hương ở đó” như trong ca khúc “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng. 

Chỉ “một thoáng” thôi, chiếc áo dài cũng đã khắc hoạ, gợi nhớ về hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Áo dài còn là biểu tượng người phụ nữ Việt Nam, là hình ảnh người bà, người mẹ, người em gái duyên dáng, dịu dàng… Là phụ nữ Việt, dù sang hay hèn, ai cũng có ít nhất một chiếc áo dài để không mặc thường xuyên thì cũng dành mặc vào dịp “ăn nói với người ta”.

Quen thế, nhưng dù là trang phục truyền thống, áo dài có đặc thù là… dài nên không thuận tiện lắm trong thời tiết nóng nực, môi trường năng động, dịch chuyển nhiều, do vậy, chị em công sở khó có thể mặc thường xuyên, liên tục suốt 5 ngày trong tuần. Để phù hợp với môi trường làm việc, lâu lắm rồi áo dài ít hiện diện trong công sở, trừ phiên chào cờ đầu tuần, dịp lễ lạt đặc biệt.

Thế nên, vào thứ hai ngày 2.3 vừa rồi, đi đến công sở nào từ tỉnh đến cơ sở cũng thấy áo dài, rực rỡ, đủ sắc màu cùng với nụ cười rạng rỡ, vẻ mặt tươi tắn, thậm chí là đầy tự hào của chị em phụ nữ… tự nhiên thấy lạ, một cái “lạ” rất quen, như gặp lại một điều gì thân thương, rất thân thương, mà cũng vì thân thương quá nên đôi khi ta đã lãng quên. “Là của mình thì vĩnh viễn là của mình, chớ đi đâu mà mất”, nghĩ vậy nên mắt lâu rồi chỉ chăm chút vào đầm, váy, comple…

Cho đến khi “áo dài” xuất hiện tại Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2019 và Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2020 đều diễn ra ở Bắc Kinh. Có điều, “áo dài” của xứ mình bỗng dưng thành “của nhà người”, cụ thể là Ne-Tiger - một thương hiệu thời trang nội của Trung Quốc - đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có những mẫu thiết kế cho thấy sự sao chép áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng lại được giới thiệu là “sự sáng tạo” của nhà thiết kế.

Không dừng lại ở đó, Đài CGTN (Trung Quốc) dẫn lời ông Zhang Zhifeng, nhà sáng lập thương hiệu Ne-Tiger, tuyên bố quan điểm của ông “khi sáng tạo ra bộ sưu tập, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc”. Trơ trẽn đến thế là cùng! 

Sự “sáng tạo” của Ne-Tiger đã bị phản ứng dữ dội, tuy nhiên, sự kiện này cũng là lời cảnh báo về việc bảo vệ quốc bảo. Nói cách khác, rằng, nếu không quan tâm đúng mức, chúng ta sẽ mất đi bản quyền sở hữu “Áo dài Việt Nam” về mặt thủ tục sở hữu trí tuệ.

Đồng nghĩa, sẽ không thể lưu giữ giá trị tinh thần của dân tộc. Đừng để mất đi rồi mới hối tiếc. Càng trân trọng, tự hào, càng phải ra sức giữ gìn ÁO DÀI - tinh hoa văn hoá Việt. Mong rằng, với sự kiện “Áo dài - Di sản văn hoá Việt Nam” do Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức đang được sự ủng hộ rầm rộ của phụ nữ trên toàn quốc, áo dài sẽ càng được trân trọng giữ gìn, mà cụ thể nhất, là hãy diện ÁO DÀI bất cứ khi nào cảm thấy phù hợp nhất, phụ nữ nhé!

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục