Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mấy ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin dải đất miền Trung đang ngập chìm trong biển nước. Đồng bào miền Trung ruột thịt phải oằn mình chống chọi với từng đợt mưa lũ khắc nghiệt, hình ảnh hoang tàn, tiêu điều được chia sẻ rất nhiều ở các trang mạng xã hội.
(Gửi tặng cô Hoàng Lê Thuý Nga, Đại học Khoa học- Đại học Huế cùng các anh chị học viên Lớp K49)
Thật trùng hợp vì tôi đang tham gia khoá học nghiệp vụ (trực tuyến) của Trường đại học Khoa học - Đại học Huế, tôi được “mắt thấy tai nghe” câu chuyện của những người sống tại tâm lũ để có cái nhìn đồng cảm và thấu hiểu hơn về những khó khăn, vất vả mà người dân nơi đây phải gánh chịu.
Tác giả tham quan Đại nội Huế tháng 2.2022
10 giờ đêm, cô giáo nhắn tin vào nhóm Zalo: “Anh chị ơi, sáng mai lớp chúng ta nghỉ. Nước lụt chuẩn bị vào nhà, với cả mất điện. Mong anh chị học viên thông cảm”.
Một vài học viên gửi vội hình ảnh và đoạn video clip về tình hình khu vực họ sinh sống. Đồ đạc, vật dụng được kê lên cao nhất có thể, xung quanh nhà cửa chìm trong sóng nước…
Là người may mắn được sống ở vùng ít xảy ra thiên tai, lũ lụt, tôi cảm thấy đau đớn, xót xa khi thấy hình ảnh mưa lũ ập về, lũ quét nhà cửa, hoa màu tan hoang, cây cối ngã đổ, giao thông tê liệt...
“Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến sáng 15.10, do nước sông lên cao và mưa lớn, tỉnh Thừa Thiên - Huế ước tính khoảng 11.200 căn nhà bị ngập từ 0,3 - 0,8m. Một số tuyến đường ngập từ 0,5 - 1m khiến giao thông tê liệt, người dân không thể ra ngoài. Quốc lộ 1A có 6 điểm ngập, gồm các xã Lộc Trì, Lộc Thuỷ (huyện Phú Lộc); Thuỷ Dương, Thuỷ Phương (thị xã Hương Thuỷ); đoạn Cống Bạc 1 tại TP. Huế. Nước lũ đang lên dần và có xu hướng lên nhanh hơn trong ngày, rất nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều phương tiện giao thông chết máy, bốn bề xứ Huế trắng xoá một màu”.
Đọc những dòng tin tức mọi người chia sẻ, lòng tôi nghẹn thắt, nước mắt chực trào ra, còn đâu hình ảnh xứ Huế mộng mơ, sáng sớm yên bình với những ly cà phê nghi ngút khói, với những gánh bánh mì thịt nướng thơm nức mũi; còn đâu những thanh âm rao hàng đêm nghe khắc khoải. Giờ đây phố Huế bồn chồn, phố gồng mình chống chọi với thiên tai.
Tôi nhớ dòng sông Hương êm đềm, nhẹ nhàng chảy trong lòng thành phố. Nhớ cầu Trường Tiền 12 nhịp bắc qua dòng sông Hương. Nhớ những o, những mệ gánh hàng rong đi qua từng ngõ phố. Nhớ những món ăn đậm chất Huế, bánh bột lọc gói trong lá chuối với độ dẻo trong của bột hoà quyện cùng con tôm được tẩm ướp gia vị. Làm sao quên được món bún bò Huế, món cơm hến với hương vị đậm đà, quyến rũ khách thập phương!
Tác giả tham quan cầu Trường Tiền tháng 2.2022
Giờ đây, Huế đang “đau” bởi từng cơn mưa lớn, Huế “thắt ruột thắt gan” trước sự khắc nghiệt của thiên tai. Thương lắm những chiếc xe đạp, xe máy phải bơi trong mưa để kịp giờ làm, kịp giờ đến lớp. Để rồi từng đợt sóng do chiếc xe khách chạy qua làm tất cả chênh chao theo con sóng trên xa lộ.
Thương cô bán xôi trước cổng chợ Đông Ba với cái thúng đậy kín bưng đi trong mưa. Người co rúm vì lạnh, khúm núm nép dưới mái hiên nhà, cô luồn tay qua ô cửa trao vội gói xôi cùng nụ cười móm mém.
Phố Huế ngày mưa im lìm, vắng lặng. Chẳng còn tiếng còi xe inh ỏi, chỉ nghe tiếng lội nước bì bõm, tiếng thở dài thườn thượt khi ai đó đẩy xe chết máy. Thương nhất hình ảnh những cụ già cùng cháu nhỏ chia nhau gói mì tôm, cùng nhau hứng chịu từng cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên…
Nhìn những hình ảnh ấy, tôi hiểu được thế nào là khắc nghiệt, là khổ đau khi chứng kiến cảnh căn nhà tích góp cả đời vừa xây xong, đàn gà vừa độ lớn, đàn lợn vừa vỗ béo, nương ngô vừa nảy mầm… bỗng chốc bị dòng nước đục ngầu, vô tình cuốn trôi.
Thương quá đỗi ngày phố Huế ngập chìm trong mưa lũ. Tự dưng thèm nghe tiếng rao hàng rong trong đêm khuya thanh vắng. Thèm một chén chè đúng vị chốn kinh kỳ xưa. Thèm nghe câu hát Nam ai, Nam bình, nghe câu hò xứ Huế trên dòng sông Hương.
Cầu mong mưa ngừng rơi, lũ lụt nhanh rút, trả lại Huế vẻ đẹp yên bình, vốn có. Cầu mong người dân luôn mạnh mẽ, kiên cường như bao đời nay vẫn thế. Thương nhớ lắm, Huế ơi!
Hoàng Yến