Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Mừng Đảng - Mừng Xuân
Tư tưởng Hồ Chí Minh Mừng Đảng - Mừng Xuân
Thưởng tết
Thứ bảy: 16:17 ngày 08/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gã cũng đã hứa với cô bạn gái là nhận thưởng xong sẽ mua cho cổ một chiếc nhẫn vàng, lại còn quà cáp ra mắt nhà bạn gái, quần áo, giày dép, bao nhiêu thứ phải lo, vậy mà… Công việc cả năm không khởi sắc, tiền tết cũng theo đó mà “chìm xuồng.

Năm nay kinh tế buồn, mần ăn không đặng, thưởng tết cũng không được nhiều mà vật giá còn leo thang. Bình- một gã trai tỉnh đi làm ở Thành phố- nghe mà sầu trong bụng. Sầu bởi lẽ gã đã kỳ vọng và trông chờ cả một năm qua, dù phải chen lấn giữa làn người xe khói bụi mịt mù mỗi sáng mỗi chiều hay trải qua những đêm tăng ca một mình tới khi tối mịt tối mù thì gã cũng chưa bao giờ thôi hy vọng về một cái tết sung túc, ấm no.

Hơn nữa, gã cũng đã hứa với cô bạn gái là nhận thưởng xong sẽ mua cho cổ một chiếc nhẫn vàng, lại còn quà cáp ra mắt nhà bạn gái, quần áo, giày dép, bao nhiêu thứ phải lo, vậy mà… Công việc cả năm không khởi sắc, tiền tết cũng theo đó mà “chìm xuồng”.

Bình thở dài, uể oải gõ phím, thưởng tết ít, không có hơi sức đâu mà cày bừa. Nhìn đi, ngoài cửa sổ, đường sá đã khoác áo mới rực rỡ đủ màu sặc sỡ, tươi vui. Mấy cô gái trẻ dắt tay nhau dạo quanh trong những bộ cánh xinh xắn cùng mấy ông thợ chụp hình tóc dài cột sau đầu và nơi góc đường kia, vài ba anh trật tự đô thị đứng khoanh tay ngó nghiêng, thi thoảng thổi còi reng réc.

Hình như tết tới, mấy ảnh cũng dễ chịu hơn thường ngày. Cả đất, cả trời, cả người đều hớn hở trong hơi thở nàng xuân. Hình như chỉ còn gã, ở đây, chán nản trong làn hơi lạnh buốt của máy lạnh đang chạy phà phà.

Ây chà, nghĩ mà coi…

Bình lan man trong những chuỗi thanh âm nhạt nhẽo lặp đi lặp lại trong văn phòng, chìm đắm trong dòng suy tư của riêng mình, cứ vậy cho tới giờ nghỉ trưa, xuống đến nhà ăn rồi mà gã vẫn cứ lăn tăn hoài không dứt, cơm ăn vào miệng nghe chát xịt chứ không ngon lành gì. Thịt cá có ê hề thì cũng nhạt nhẽo hệt như nước lã, giờ này, phải có miếng bánh tét hột điều ăn với củ cải thì ngon.

Bỗng có người bưng khay cơm ngồi xuống chỗ đối diện. Là chú Trung- chú đồng nghiệp xấp xỉ tuổi hưu, tóc đã bạc hơn nửa đầu, da nhăn nheo nhưng sơ vin nai nịt gọn gàng, nhìn xa cũng còn phong độ chán. Gã nghĩ thầm rồi nhìn chú, cười phớ lớ, hai người xã giao vài câu rồi cũng lại đá qua lương bổng tiền nong. Trong suy nghĩ của Bình, chú Trung làm lâu năm, chức cao, tiền thưởng tết chắc phải nhiều hơn hẳn, phải mà gã cũng được nhiều như chú, chắc cũng không phải đau đầu.

Nghe Bình than vãn, chú Trung phì cười:

- Trời! Chú lại mong được như con. Cha mẹ còn khoẻ, con cái chưa có, còn đương phơi phới. Chứ như chú, già rồi, sức khoẻ không có, đi chơi thì đi không nổi, ăn uống cũng có được bao nhiêu đâu, cha mẹ cũng không còn minh mẫn, nay nhớ mai quên, con cái đi làm xa, cháu trai cháu gái còn đương tuổi quậy phá, nhức đầu nhức óc thì sướng ích gì mà ham, cuộc đời mình, tiền bạc là cái không đáng giá nhất đó con.

Bình sững người, mày vô thức nhíu lại, quả thực, đối với người giàu, tiền bạc là thứ không đáng giá nhất. Khi người ta có tiền, họ sẽ bắt đầu nghĩ về tình cảm. Nhưng nghĩ lại, chú Trung nói vậy cũng đâu sai, chú có hai đứa con đều đi làm xa nhà, mấy năm nay cũng không về được, ba mẹ chú thì khi nhớ khi quên, nay đau mai yếu, có mỗi hai đứa cháu ở chung thì tụi nó cũng chê ở nhà với ông bà nội chán phèo mà rủ nhau xin tiền đi chơi với bạn, thành ra năm nào chú đón Tết nhà cửa cũng trống lốc trống lơ.

Người già, cũng phải chịu cái khổ của người già.

Một bữa cơm gượng gạo trôi qua quá nửa, thì bàn ăn lại có thêm một người- chị Thường trưởng phòng. Cuối năm công việc nhiều, nên dạo này, nhìn chị phờ phạc, tóc tai rũ rượi, mắt thâm đen, hay bị mấy em trong phòng gọi trêu là “gấu trúc”.

Vừa ngồi xuống vùa được mấy đũa, điện thoại đã reo, chị đứng lên ngồi xuống đi tới đi lui hai ba bận, tới chừng rảnh tay ăn, thì cơm canh đã lạnh tanh lạnh ngắt, ăn thêm một chút, chỉ gạt hết qua một bên rồi ngồi chống cằm, kêu một ly cà phê sữa uống cho qua cơn qua bữa.

- Sao mà dòm coi tơi tả dữ vậy chị mình? - Bình quan tâm hỏi một câu, nửa đùa nửa thiệt.

Ánh mắt chị Thường thoáng lấp lánh, giống như gặp được tri kỷ, cũng giống như ngòi nổ vừa được châm lên, chị uống xong một ngụm cà phê, miệng bắt đầu liến thoắng kể lể đủ chuyện trên trời dưới đất, từ con cái, nội ngoại hai bên cho tới công việc cuối năm rồi tết nhứt nhà cửa, từ trên xuống dưới, từ đông sang tây, một mình chị lo tất. Không phải không có người lo phụ, mà ai lo chị cũng không vừa lòng.

Vậy mới nói, người giỏi giang cũng phải gánh cái khổ của người giỏi giang.

Câu chuyện của chị còn chưa dứt, tiếng chuông quen thuộc đã lại vang. Chị vụt chạy đi quên cả ly cà phê còn đang dang dở. Chú Trung nhìn theo, lắc đầu, dường như chú thấy hình ảnh của mình đôi ba chục năm về trước.

Hai chú cháu gác đũa, Bình vừa nhớm đứng dậy đã va phải con bé Như- mới ra trường, vừa vào công ty chưa được bao lâu, không biết con nhỏ gấp gáp chuyện gì mà chạy như ma đuổi, làm đổ cả nửa ly trà sữa lên người Bình. Nghe nó lúng túng xin lỗi, không dưng Bình lại nổi “máu nhây”. Ghẹo một hồi, xém chút nữa làm con nhỏ khóc luôn tại chỗ, bị chú Trung rầy cho một chập, gã mới chịu thôi.

Ba chú cháu nhìn nhau cười trừ, lại kéo ghế ngồi xuống, Bình gọi cà phê, coi như “chuộc tội”. Sau một hồi tâm sự, Bình mới hay, sở dĩ con nhỏ chạy cắm đầu cắm cổ là vì nó mới nhận được thưởng tết (không đáng là bao), so với Bình chỉ bằng một phần ba nhưng đối với một đứa con gái vừa mới đi làm như nó, thật sự là số tiền không nhỏ. Như dự định dùng số tiền này để lo quần áo sách vở cho em trai, sắm sửa vài ba món đồ cho gia đình, còn lại thì mừng tuổi ba má.

- Còn em? Phần của em đâu? - Bình buộc miệng hỏi.

Như không trả lời, chỉ gãi đầu cười, không phải kiểu cười mỉm mỉm của mấy cô đồng nghiệp khác, mà nó cười nhăn cả hai hàm răng, cặp mắt híp lại sau cặp kiếng dày, nhìn khờ khạo thấy mà thương.

Người trẻ tuổi, cũng phải trải qua cái khổ của người trẻ tuổi.

Nghe nó nói dự định đi làm thêm qua tết mà Bình không nén được tiếng thở dài, vì con bé bây giờ có khác gì gã hồi năm sáu năm trước đâu? Cũng từng hạnh phúc khi nhận thưởng tết lần đầu, cũng từng vui sướng với số tiền nhỏ bé đó. Và hình như, cũng từng muốn dành hết cho gia đình. Lúc đó, gã thấy đủ.

Vậy ra, tết xưa nay không đổi. Chỉ có gã không còn giống như xưa?

Bình hoảng hốt nhìn quanh, hình như trong mắt gã, ai cũng khổ, cũng buồn, cũng có cuộc đời gian truân cực nhọc, cũng có những nỗi trăn trở của riêng mình. Mà, nhìn đi nhìn lại thì, chú Trung đang cười hiền từ, con bé Như đang cười vô tư, chị Thường đang cười đắc ý, còn chú Giàu, thím Sang, anh Phú, chị Quý… và rất nhiều, rất nhiều người khác mà gã không biết tên, hình như ai cũng đang cười.

Họ cười khi nhắc đến lương, thưởng, tiệc tất niên, nhắc đến những dự định, những mong muốn sắp tới và những điều khiến bản thân thích ý trong năm qua, đôi khi chỉ là trúng số đầu, mua được một món đồ giá rẻ, đi đến đâu đó… Chỉ những chuyện cỏn con, liệu có thật sự khiến họ vui đến vậy không? Bình không biết, và có lẽ cũng không ai biết.

Gã từng nghi ngờ, liệu có phải người ta đang giả vờ cười để không lạc lõng hay không? Hay họ cười vì họ thực sự hạnh phúc? Hạnh phúc của người ta phải chăng chỉ đơn giản như cái điều mà chú Trung vừa nói: Xuân sang tết tới, chỉ cần còn gia đình, còn người thân, còn sức khoẻ đã là “sinh hữu tam hạnh (*)” rồi.

Bình nhớ hoài cái câu mà chú ấy nói với con bé Như:

- Mỗi người có sướng, có khổ riêng mình, con đi so coi ai sướng ai khổ hơn làm gì? Tết tới, năm mới năm mẻ, mình phải vui chớ. Có tiền nhiều thì tốt. Nhưng quan trọng nhứt vẫn là gia đình sum hợp, vậy là đủ vui mút mùa rồi. Chú nghe đâu bây không định về quê ăn tết mà ở lại đây đi làm kiếm thêm, chú can đó. Con cái cho tiền cho bạc cả đống cả lèn mà tết nhứt không thấy mặt mũi đâu, nhà cửa lạnh lẽo trống hoác trống huơ thì sao mà vui cho nổi? Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, nhớ tết về với cha với mẹ là được. Bây thấy, chú nói phải không?

Lúc đó, con nhỏ ngẩn ra, đơ hết một lúc rồi mới lí nhí dạ rồi đứng dậy chạy biến. Bình biết, nó chột dạ, gã đây cũng đâu hơn gì.

Ngày làm việc cuối năm cuối cùng cũng chấm dứt. Dự tất niên xong, Bình cuốc bộ về nhà trọ, gã chầm chậm thả bước dưới ánh đèn đường sáng choang. Giữa tiếng còi xe inh ỏi, giữa biển xe đen đặc đang cố chen nhau từng chút một, giữa khói bụi mù trời, tiếng nhạc xuân từ tám hướng mười phương vẫn tung tẩy nhảy nhót tưng bừng truyền đến bên tai làm lòng Bình nô nức, tim Bình rộn ràng, khoẻ môi Bình cũng nhếch lên trong vô thức.

Gã trai hăm hở hít một hơi sâu, để “không khí mùa xuân tươi mới căng tràn trong tim phổi”. Nhưng, gã sặc, bị khói xe làm cho sặc. Dù vậy, gã vẫn thính mũi ngửi được đâu đây có mùi thịt kho trứng và cải muối chua thoảng qua trong không khí, đâu đó trong biển người xe, thấp thoáng mấy cành quất lúc lỉu trái vàng ươm đang oằn mình lắc tới lắc lui như trống bổi. Ở bãi đất trống ven kênh, pháo hoa ai đốt đang nổ lùm bùm.

Đó, phải như vậy. Tết rốt cuộc cũng về rồi.

Đ.P.N

(*) sinh hữu tam hạnh: ba chuyện hạnh phúc trong cuộc đời

Tin cùng chuyên mục