Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là động lực, nguồn lực mà còn là nhân tố quyết định thắng lợi của đất nước.
Ngày 20-2, Ban chỉ đạo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VÕ THƠ
“Lấy dân là gốc, là trọng tâm, trung tâm của mọi chính sách”
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo, nhìn nhận việc xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những thời điểm khó khăn nhất, tinh thần này lại được khơi dậy, phát huy và có những đóng góp to lớn. Điều này đã được chứng minh qua thực tế mà gần đây nhất, nhờ sự đoàn kết toàn dân tộc mà chúng ta vượt qua được đại dịch COVID-19.
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ đại đoàn kết toàn dân tộc là việc lâu dài, thường xuyên, có ý nghĩa chiến lược. Trong thời kỳ hiện nay, theo ông thì độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đảm bảo lợi ích cao nhất cho quốc gia, dân tộc, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc chính là mục tiêu.
Lấy dân là gốc, là trọng tâm, trung tâm của mọi chính sách, sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng nhất cho chất lượng của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mỗi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phải khẳng định nguyên tắc, ngoài lợi ích của nhân dân thì Đảng không còn lợi ích nào khác. “Lấy dân là gốc, là trọng tâm, trung tâm của mọi chính sách, sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng nhất cho chất lượng của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước” - ông Thưởng khẳng định.
Lấy ví dụ về câu chuyện đất đai, ông Thưởng nhìn nhận đây là vấn đề hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế. Có khoảng 70% khiếu nại về vấn đề này, các vụ kiểm tra, xử lý kỷ luật cán bộ cũng liên quan đến đất đai. Ông yêu cầu trong thời gian tới, khi sửa đổi các chính sách pháp luật, phải khắc phục được hạn chế này. “Phải làm sao để mọi chủ trương, đường lối của Đảng phát xuất phát từ lòng dân, lợi ích của dân” - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Thưởng đề nghị cần tập trung xây dựng MTTQ Việt Nam, các tổ chức công tác xã hội, quần chúng vì các đơn vị này giữ vai trò phát động trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Song song đó là đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thói hư tật xấu trong Đảng cũng như trong xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự ưu tú, đủ phẩm chất uy tín, gần gũi với dân.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được ban hành và thực hiện có hiệu quả.
Thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tiếp tục quán triệt các quan điểm về đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt là phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Ông ĐỖ VĂN CHIẾN, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Đại đoàn kết toàn dân là động lực, nguồn lực
Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận định Nghị quyết 23 đã tạo ra nhận thức chuyển biến mới trong hệ thống chính trị, góp phần quan trọng làm nên thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. “Đại đoàn kết toàn dân không chỉ là động lực, nguồn lực mà còn là nhân tố quyết định thắng lợi của đất nước” - ông Đảm nói và cho rằng bên cạnh những mặt làm được thì khối đại đoàn kết cũng đang đứng trước nhiều thách thức.
Nhằm nâng cao sức mạnh đoàn kết toàn dân, ông Đảm đề nghị thời gian tới cần xây dựng nghị quyết mới để phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tăng cường và phát triển MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội.
“Phải triển khai làm sao để nội dung đại đoàn kết thấm sâu trong máu thịt của từng người, từ cấp lãnh đạo đến cấp quản lý, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên, người dân. Để dù trên cương vị nào cũng có ý thức phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc” - ông Đảm nhấn mạnh.
Song song đó, Đảng và Nhà nước cần nắm sát tình hình các gia đình xã hội nhằm bảo vệ, phòng ngừa, sớm ngăn chặn các tác động tiêu cực. Phải có cơ chế, chính sách chăm lo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, từng gia đình trong xã hội.
Theo ông Đảm, muốn xây dựng khối đại đoàn kết thì điều kiện tiên quyết là Đảng phải trong sạch, vững mạnh, nêu gương, sâu sát dân. Đồng thời, đội ngũ cán bộ phải thực sự là “công bộc” của dân thì dân mới đoàn kết, Nhà nước mới vững mạnh. “Việc thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Đảng phải làm sao đúng ý Đảng, hợp lòng dân, sát thực tiễn và kịp thời” - ông Đảm khẳng định.•
TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế, tài chính ở châu Á
Đánh giá kết quả 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 23 của TP.HCM, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết trong quá trình thực hiện tinh thần phát huy sức dân, chăm lo cho dân được lan tỏa khắp nơi, đầy ắp nghĩa tình.
Việc này được thể hiện qua nhiều hoạt động của đoàn thể, tổ chức xã hội như cứu trợ đồng bào vùng bão lũ, hạn hán ở các tỉnh; mở rộng địa bàn hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, tại các nước láng giềng...
Ông Hải cho biết thời gian tới TP sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; tăng trưởng bình quân đạt 8%-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Nguồn PLO