Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trảng Còng, một địa danh của huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã được cả nước biết đến qua bài ca “Lên Ngàn” của nhạc sĩ Hoàng Việt. Ca khúc được sáng tác vào thời điểm xảy ra trận lụt lịch sử năm Nhâm Thìn 1952 với những ca từ nhiều người đều thuộc: “Hò ơi ! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi/ Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng/ Nước chảy ngược dòng…/ Hò ơi! Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Còng/ Cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con…”.
Trảng Còng, một địa danh của huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã được cả nước biết đến qua bài ca “Lên Ngàn” của nhạc sĩ Hoàng Việt. Ca khúc được sáng tác vào thời điểm xảy ra trận lụt lịch sử năm Nhâm Thìn 1952 với những ca từ nhiều người đều thuộc: “Hò ơi ! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi/ Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng/ Nước chảy ngược dòng…/ Hò ơi! Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Còng/ Cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con…”.
Cùng sát cánh chiến đấu với nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà thơ Bảo Định Giang là người đầu tiên được nghe bài ca này ngay lúc tác phẩm vừa mới hình thành. Lời bài ca mang tính trữ tình, bi tráng, nói lên cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của quân dân ta trong giai đoạn vô cùng khó khăn, và nó đã khắc sâu vào tâm hồn nhà thơ qua nhiều năm tháng.
Bảo Định Giang vốn là nhà thơ của ca dao, tác phẩm của ông được đông đảo quần chúng yêu thích. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bảo Định Giang vẫn tiếp tục thâm canh trên cánh đồng ca dao để ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi công cuộc xây dựng đời sống mới.
Và những kỷ niệm bi hùng ở quê hương Trảng Còng đã sống lại trong bài thơ “Khúc hát Trảng Còng”. Như sự ghi nhớ về ân nghĩa và tình cảm thuỷ chung đối với một vùng quê, một địa danh lịch sử: Vẳng nghe khúc hát Trảng Còng/ Nhớ xưa gian khổ một lòng đánh Tây/ Đáng đời giặc Mỹ vào đây/ Xi-ti một trận xác đầy rừng xanh.
Ý tưởng ấy được nhấn mạnh trong các câu thơ tiếp theo: Ba mươi năm ấy bao tình/ Đắng cay trăm nỗi đất giành về ta/ Trông lên có ngọn núi Bà/ Tân Biên đổ xuống Tha La một màu.
Ca dao- thường theo thể lục bát vốn là một thể loại quen thuộc với người Việt Nam. Nhưng không phải cứ làm thơ lục bát là thành ca dao, đặc biệt với những bài thơ có nội dung liên quan đến lịch sử đấu tranh và xây dựng đất nước, muốn đưa vào đó phong cách ca dao cũng không phải dễ dàng.
Nhưng nhà thơ Bảo Định Giang đã mạnh dạn “thể nghiệm” và đã làm được khi viết về Tây Ninh trong giai đoạn xây dựng, phát triển nông nghiệp: Mì đua với mía lên cao/ Đất thương đậu phộng cho nhau hai mùa/ Bắp nhà ai trổ đỏ cờ/ Mì xanh thêm lá cho tơ óng vàng. Và: Tây Ninh tay súng tay cày/ Vừa xây vừa chống hai tay vững vàng.
Bảo Định Giang tham gia kháng chiến từ khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ và nhận công tác tuyên truyền. Nhu cầu sáng tác phục vụ công tác lúc ấy đã thôi thúc ông tìm đến với chất liệu, phong cách ca dao vì ca dao gọn nhẹ, linh hoạt, có khả năng phục vụ kịp thời và trực tiếp.
Vì vậy, nói đến Bảo Định Giang, người đọc nhớ ngay đến ca dao. Ông đã có nhiều tác phẩm hay, sức phổ cập lớn, được coi là tài sản tinh thần chung của nhân dân. Không ít bài thơ - ca dao của Bảo Định Giang được xếp vào ca dao của quần chúng vô danh. Riêng bài “Khúc hát Trảng Còng” đã được tác giả in vào tập “Ca dao sau giải phóng” do Nhà xuất bản Tiền Giang ấn hành năm 1987.
Nhà thơ Bảo Định Giang tên thật là Nguyễn Thanh Danh, sinh năm 1919, quê quán huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Trong thời kỳ kháng chiến, ông hoạt động lĩnh vực thông tin báo chí ở chiến trường Đông Nam bộ. Ông đã từng là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh.
Ông cũng là tác giả của hơn 30 tác phẩm gồm ca dao, thơ, kịch bản, nghiên cứu phê bình đã xuất bản. Nhà thơ Bảo Định Giang đã qua đời vào năm 2005.
VĂN TÀI
Khúc hát Trảng Còng
Vẳng nghe khúc hát “Trảng Còng”
Nhớ xưa gian khổ một lòng đánh Tây
Đáng đời giặc Mỹ vào đây
Xi-ti một trận xác đầy rừng xanh
Ba mươi năm ấy bao tình
Đắng cay trăm nỗi đất giành về ta
Trông lên có ngọn núi Bà
Tân Biên đổ xuống Tha La một màu
Mì đua với mía lên cao
Đất thương đậu phộng cho nhau hai mùa
Bắp nhà ai trổ đỏ cờ
Mì xanh thêm lá cho tơ óng vàng
Mặc bầy dã thú tràn sang
Hào sâu chông nhọn sẵn sàng chôn thây
Tây Ninh tay súng tay cày
Vừa xây vừa chống, hai tay vững vàng.
BẢO ĐỊNH GIANG