Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiếp tục xây dựng chuỗi và vùng an toàn dịch bệnh
Thứ năm: 23:08 ngày 11/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các doanh nghiệp chăn nuôi duy trì và thường xuyên giám sát định kỳ các cơ sở chăn nuôi ATDB bảo đảm tiêu chuẩn trong nước và thế giới, hướng đến đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cùng chủ trì.

Sáng 11.5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB), do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đồng chủ trì.

Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố. Khách mời hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh: Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong những năm qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt trên 6,3% trong vòng 5 năm qua. Tổng đàn gia cầm trên cả nước hiện có hơn 550 triệu con, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng thành công trên 2.230 cơ sở, vùng ATDB với hàng chục triệu gia súc, gia cầm được nuôi tại các vùng, cơ sở này.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long báo cáo về công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật và trình bày chuyên đề về xây dựng vùng, cơ sở trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi an toàn dịch bệnh trong xuất khẩu theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Giai đoạn từ năm 2018-2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm. Trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, trên cả nước đã có 32.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố trong cả nước được chứng nhận an toàn dịch bệnh, trong đó có các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh, bao gồm 922 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm, 1.133 cơ sở, vùng chăn nuôi heo và 175 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Tây Ninh Trần Văn Chiến cùng chủ trì.

Tại tỉnh Tây Ninh, công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật được xác định là nội dung rất quan trọng trong công tác triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Hiện nay, cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp (đối với heo và gà), sau 2 năm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, đến nay, tỉnh có 64 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (47 cơ sở chăn nuôi gà, 15 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò).

Trong đó có 1 huyện (huyện Dương Minh Châu) được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, và 6 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã (huyện Gò Dầu) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm; huyện Bến Cầu có 9 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh lở mồm long móng trên trâu bò.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn chuỗi của hệ thống Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam với 98 cửa hàng cung cấp thịt sạch; chuỗi giá trị chăn nuôi heo của Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam; chuỗi giá trị chăn nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel gà; nhà máy sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources và Công ty QL Farm tại huyện Tân Biên, sản lượng trứng bình quân khoảng 700.000 trứng/ngày/trại.

Tham dự hội nghị, các đại biểu còn được nghe các báo cáo về công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật tại các tỉnh và đại diện Công ty De Heus chia sẻ về tiến độ xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và chế biến gia cầm tại tỉnh Tây Ninh và một số tỉnh có dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, qua các báo cáo tại hội nghị cho thấy bức tranh tổng thể về ngành chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và kết quả xây dựng chuỗi, vùng ATDB trên đàn gia cầm thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời gian tới là rất lớn, công tác xây dựng cơ sở, vùng an ATDB còn nhiều hạn chế, chưa có cơ sở, vùng đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tham dự hội nghị tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch của Chính phủ và Bộ NN&PTNT về xây dựng cơ sở, vùng ATDB, hướng đến mục tiêu đến năm 2025, mỗi tỉnh sẽ có ít nhất 4 huyện đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới và đến năm 2030 là 10 huyện. Đồng thời, duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp.

Lễ ký thoả thuận hợp tác giữa Công ty TNHH De Heus Việt Nam với Cục Thú y và các tỉnh tham dự hội nghị.

Các doanh nghiệp chăn nuôi duy trì và thường xuyên giám sát định kỳ các cơ sở chăn nuôi ATDB bảo đảm tiêu chuẩn trong nước và thế giới, hướng đến đáp ứng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận cơ sở ATDB trình các cơ quan chuyên môn của Việt Nam và mời các cơ quan thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu đánh giá, công nhận theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới.

Cục Thú y phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền chuyên sâu, trọng điểm về công tác tiêm phòng vaccine, các biện pháp tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y các cấp về giám sát, xác minh dịch bệnh, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tăng cường thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý hoạt động chăn nuôi.

Tại hội nghị, các đại biểu chứng kiến lễ ký thoả thuận hợp tác giữa Công ty TNHH De Heus Việt Nam với Cục Thú y và các tỉnh tham dự hội nghị về tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để xuất khẩu trong 5 năm tới.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục