Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu
Chủ nhật: 23:22 ngày 14/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp. Biến chứng nặng của bệnh gây viêm cơ tim và nghẽn đường hô hấp, đây là nguyên nhân chính gây tử vong. Tất cả các độ tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh.

Người dân đưa trẻ đi tiêm chủng tại Trung tâm tiêm chủng Tanimed.

Vào tháng 6.2024 vừa qua, tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh bạch hầu và tử vong tại huyện Kỳ Sơn. Kéo theo đó là những trường hợp mắc bệnh do tiếp xúc gần với trường hợp tử vong này. Đến thời điểm hiện tại, ổ dịch tại 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang đã được kiểm soát, các bệnh nhân được điều trị tích cực.

Các trường hợp tiếp xúc gần trường hợp này đã được cách ly, theo dõi sức khoẻ, điều trị bằng kháng sinh dự phòng trong vòng 7 ngày. Các nhân viên y tế tiếp tục theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh xác định.

Tiêm nhắc để phòng ngừa

Theo Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp. Biến chứng nặng của bệnh gây viêm cơ tim và nghẽn đường hô hấp, đây là nguyên nhân chính gây tử vong. Tất cả các độ tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng. Bệnh bạch hầu chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.

Hiện nay, Việt Nam tiêm theo liệu trình 5 liều vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiêm đầy đủ để phòng bệnh. Lịch tiêm này phù hợp khuyến cáo của WHO để tạo miễn dịch lâu dài, bảo đảm mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em Việt Nam trong các độ tuổi quan trọng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hầu hết trẻ sơ sinh phát triển mức độ kháng thể bảo vệ sau khi hoàn thành đủ ba liều cơ bản (94%-100% trẻ có mức kháng thể chống bạch hầu trên 0,01 IU/mL). Tuy nhiên, nếu không tiêm nhắc lại, khả năng miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian.

Tây Ninh: nguy cơ thiếu vaccine ngắn hạn

Tại tỉnh Tây Ninh, chương trình tiêm chủng mở rộng (CTMR) được thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do Hib, bại liệt, sởi, vaccine BGC phòng bệnh lao) trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Tây Ninh không đạt tiến độ chỉ tiêu đề ra.

CDC Tây Ninh thực hiện điều tra thông tin tiêm chủng trong khu dân cư.

Nguyên nhân là việc cung ứng vaccine chưa đầy đủ, đôi khi chưa kịp thời (trễ so với ngày tiêm chủng của trạm y tế). Cụ thể, đa số các trạm y tế (TYT) trên địa bàn tỉnh triển khai TCMR bắt đầu từ ngày 10-16, số ít tiêm ngày 20-21 nhưng từ tháng 1 đến tháng 6.2024, các vaccine trong chương trình TCMR liên tục phân bổ đến tỉnh trễ hơn so với ngày tiêm chủng theo quy định. Đặc biệt, 2 loại vaccine IPV (bệnh bại liệt) và SII (5 trong 1) thường xuyên phân bổ thiếu.

Để bảo đảm thời gian và tiến độ tiêm chủng cho trẻ, CDC Tây Ninh khuyến cáo, hiện toàn tỉnh có 105 cơ sở y tế công lập và 24 cơ sở ngoài công lập đủ điều kiện tiêm chủng vaccine, người dân có thể đến các cơ sở này để tiêm chủng cho trẻ kịp thời.

Trên thực tế, sau khi có thông tin về ca tử vong do bệnh bạch hầu ở Nghệ An, số lượng người dân trên địa bàn tỉnh đi tiêm vaccine phòng bệnh tại các cơ sở tiêm chủng tăng cao.

Bác sĩ chuyên khoa I. Nguyễn Thị Phương Trang- Trưởng Khoa Khám sàng lọc tại Trung tâm tiêm chủng Tanimed Tây Ninh cho biết, khoảng 1 tuần nay, nhu cầu khách hàng tiêm vaccine liên quan đến bệnh bạch hầu tăng gấp nhiều lần so với các tháng trước, vì vậy có khả năng sẽ khan hiếm vaccine trong ngắn hạn. Tanimed đang cố gắng có đầy đủ vaccine để giúp bà con phòng bệnh tốt nhất.

Ngọc Bích - Tâm Giang

Hiện tại, Tanimed có 3 loại vaccine liên quan đến bệnh bạch hầu, gồm vaccine Infanrix Hexa 0,5ml và Hexaxim 0,5ml (6 trong 1) dành cho trẻ độ tuổi từ 2 đến 24 tháng. Sau giai đoạn này là độ tuổi tiền học đường 4-6 tuổi sẽ có mũi nhắc lại là vaccine 4 trong 1, các bé bị bỏ quên mũi này rất nhiều, dẫn đến giảm khả năng phòng bệnh và dễ mắc bệnh.

Người lớn thường quên tiêm vì nghĩ rằng lớn rồi thì không cần tiêm nữa, nhưng theo khuyến cáo, vaccine phòng bệnh bạch hầu cần tiêm nhắc mỗi 10 năm để duy trì lượng kháng thể phòng bệnh.

Tin cùng chuyên mục