Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tiền lương mới sẽ tăng bao nhiêu?
Thứ tư: 17:26 ngày 08/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất. Xây dựng thang bảng lương trên tinh thần lương mới phải cao hơn lương cũ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất; không tăng giá vào thời điểm tăng lương.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, kết luận phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền, bảo đảm tổ chức thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 01/7/2024, nhất là công tác xây dựng thang bảng lương trên tinh thần lương mới phải cao hơn lương cũ.
Tập trung xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã trả lời báo chí về tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn chính sách về tiền lương.

Ông Vũ Đăng Minh cho biết: Để thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ngày 21/05/2018, trong suốt thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số các cơ quan liên quan tập trung xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương.

Thứ nhất là bảng lương chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương cho đến cấp xã.

Nội dung này phải mất nhiều năm chúng ta mới có thể ban hành, ra được danh mục các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý và tương đương từ Trung ương đến cấp xã để bao quát được hết các cơ quan của Đảng, đoàn thể, các cơ quan hành pháp, tư pháp.

Thứ hai là xây dựng hệ thống bảng lương chuyên môn, tức là những cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý.

Đồng thời xây dựng 3 bảng lương trong lực lượng vũ trang, trong đó có cả những người làm công tác cơ yếu.

Đó là: Bảng lương áp dụng đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân; Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp quân đội, chuyên môn kỹ thuật công an và Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Bảo đảm tiền lương mới không thấp hơn lương cũ
Ông Vũ Đăng Minh cho biết: Trong thời gian vừa qua, Bộ Nội vụ đã cùng với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về các nội dung cơ bản của các cải cách chính sách tiền lương.

"Những nội dung mà chúng tôi cần tập trung xin ý kiến thì hiện nay Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương có ý kiến và chúng tôi đang tiếp thu và giải trình để xin ý kiến của Thủ tướng báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị cho ý kiến nội dung cụ thể để thực hiện cải cách tiền lương", ông Vũ Đăng Minh thông tin.

Theo ông Vũ Đăng Minh, có mấy vấn đề mà cần phải xin ý kiến:

Một là, thống nhất 5 thang bảng lương và 9 nhóm phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý cùng các chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang.

Vấn đề thứ hai cần xin ý kiến là việc thực hiện bảo lưu tiền lương cũng như thu nhập đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

"Khi chúng ta thực hiện việc xếp lương, nếu lương mới thấp hơn lương cũ thì cho phép bảo lưu lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW là lương mới bảo đảm không thấp hơn mức lương cũ", ông Minh thông tin.
Cải cách tiền lương: Lương thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu
Và thứ ba là thực hiện chế độ trợ cấp đối với các cán bộ, công chức có mức lương cơ bản thấp hơn mức lương thấp nhất của vùng một áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp.

Để bảo đảm đối tượng cán bộ, công chức này có đời sống đáp ứng được ở một mức tiền lương cố định nào đó, hiện nay Bộ đang xin một mức lương khoảng trên 5 triệu. Tức là lương tối thiểu vùng áp dụng với các đối tượng này.

Khi chúng ta thực hiện cải cách chính sách tiền lương thì đảm bảo những người có thu nhập thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu. Con số này còn phải xin ý kiến của Bộ Chính trị.
Vấn đề thứ tư cần xin ý kiến là việc thực hiện mức khoán bằng số tiền cụ thể đối với cán bộ công chức, đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã để áp dụng mức khoán đối với cán bộ chuyên trách chính quyền cơ sở.

Theo ông Vũ Đăng Minh: Đây là những nội dung lớn sắp tới phải báo cáo Bộ Chính trị.

Hoàn thiện một loạt văn bản để triển khai chính sách tiền lương mới
Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến thì Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để xây dựng và trình quy tắc thẩm quyền 3 nhóm văn bản sau đây:

Một là, trình Ban Bí thư ban hành Quyết định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức khối cơ quan của Đảng, đoàn thể Mặt trận tổ quốc.

Thứ hai là trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Thứ ba là trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 24 ngày 12/2/2024 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương mới với công chức, viên chức lực lượng vũ trang để thay thế Nghị định này.

Và theo đó phải ban hành 12 thông tư để hướng dẫn rất cụ thể về các hệ thống thang bảng lương, cách chi trả, cách tính toán tiền lương áp dụng đối với tiền lương mới.

Khối lượng công việc rất lớn và đồ sộ như vậy đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương và sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan.

Phải bảo đảm được nguồn và tinh giản biên chế để cải cách tiền lương

Theo ông Vũ Đăng Minh: "Có nội dung rất quan trọng là chúng ta phải bảo đảm được nguồn để cải cách tiền lương.

Chúng tôi vẫn kiên trì và kiên quyết thực hiện theo phương châm tiếp tục sắp xếp, tổ chức các bộ máy, cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng sắp xếp tinh gọn để tiết kiệm được nguồn chi".

Thứ hai là tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế để tăng nguồn thực hiện cải cách tiền lương.

Cải cách tiền lương là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quốc hội

Chi cho cải cách tiền lương 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu 11,1 nghìn tỷ đồng
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024.

Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.

Như vậy ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. 

Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.

Tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng khoảng 30% 
Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

Hiện nay lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng.

Dự kiến cuối năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ phương án tăng lương lương tối thiểu vùng. Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị tăng lương tối thiểu vùng đồng thời với lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

"Qua 4 lần cải cách tiền lương, tôi thấy chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Đây là một chính sách lương mới rất tiến bộ, công bằng, thật sự hài hòa và hợp lý", Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Vì vậy nếu lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp cũng sẽ tăng cao hơn mức 3,9 triệu đồng hiện nay.

Ngoài ra, chính sách tiền lương mới cũng mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.

Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.

Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.

Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.

Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.

Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).

Cơ cấu tiền lương mới.

Tiếp tục tăng lương thêm 7%/năm từ 2025
Một điểm đáng chú ý nữa là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.

Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự,  tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để thực hiện được chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Trong đó phải kể đến nỗ lực trong việc tạo nguồn cho cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững.

Vì vậy, việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 - 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.

9 loại phụ cấp theo chế độ tiền lương mới gồm:
Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập; phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang.

Tiền lương y tế, giáo dục sẽ cao hơn so với mặt bằng chung
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác.

Bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Nhất là qua đợt dịch COVID-19 vừa rồi cho thấy cần phải quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ thầy giáo và thầy thuốc nhiều hơn nữa.

Vì vậy, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.

Dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).

Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.

Mặc dù trong 3 năm qua, chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW) đến ngày 1/7 tới đây thì lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng bình quân chung khá nhiều, khoảng 60%. 

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: "Con số này tuy không phải là vượt bậc, nhưng cũng là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương".

Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cũng như Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trong triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương khóa XII; nhất là trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn sau tác động của đại dịch COVID-19.

Xem xét bảo lưu mức lương và thu nhập ở đơn vị đặc thù

Thông tin thêm về lương đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị đặc thù, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo Nghị quyết 27 thì tới đây, chúng ta sẽ bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù.

Hiện nay có 134.284 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (có tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 lần đến 2,43 lần). Con số này chiếm khoảng 6,78% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cả nước.

Khi bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù, họ sẽ hưởng tiền lương mới (kể cả phụ cấp) có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương. Vì vậy, để đảm bảo chế độ cho họ, Bộ Nội vụ tính toán để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bảo lưu mức lương và thu nhập đặc thù hiện hưởng.

Tức là lương mới (kể cả bảo lưu) của những cán bộ, công chức, viên chức này không thấp hơn so với khi chưa thực hiện cải cách tiền lương đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 27, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng hưởng lương trước và sau khi cải cách tiền lương.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị đặc thù chia sẻ với chủ trương chung của Đảng để triển khai thực hiện cải cách tiền lương một cách hiệu quả.

Nguồn Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục