Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mua thuốc qua mạng xã hội:
Tiền mất, tật vẫn còn
Thứ bảy: 06:27 ngày 11/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mua thuốc qua mạng xã hội hiện khá phổ biến. Chỉ vì tin vào những lời quảng cáo, tư vấn vô căn cứ, thời gian gần đây, có không ít người bệnh tự mua các loại thuốc “đông y” không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, được gắn mác “bài thuốc gia truyền” để điều trị bệnh để rồi “tiền mất bệnh mang”.

Những thực phẩm chức năng được ví như “thần dược” được vị bác sĩ Thu Hiền bán cho ông Thơm.

Một dạng lừa đảo

Hiện các trang mạng xã hội xuất hiện đầy rẫy các kiểu bán thuốc trị bệnh từ tây y đến đông y với những lời quảng cáo có cánh như: “Đảm bảo trị dứt bệnh viêm xoang”, “đẩy lùi bệnh viêm mũi dị ứng”, “trị dứt bệnh trĩ, không hết hoàn tiền 100%”… Các “thầy lang” này bắt bệnh, tư vấn, quảng cáo tác dụng của thuốc chỉ qua vài câu hỏi qua loa, rồi tư vấn bán thuốc, bệnh gì cũng có thuốc điều trị.

Để tạo niềm tin cho khách hàng, những “thầy lang” trên mạng xã hội tự nhận là “bác sĩ, lương y” đang công tác tại các bệnh viện lớn trong nước, đồng thời đăng tải các video tư vấn bệnh của một số đài truyền hình lớn.

“Có bệnh thì vái tứ phương”, ông T.V.H, ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành bị tai biến để lại di chứng vận động khó khăn. Sau đó, ông H đã mua thuốc trên mạng về uống với giá 2,5 triệu đồng/liệu trình. Người bán giới thiệu thuốc chế biến từ cây cỏ và cam kết sau khi sử dụng 5 liệu trình ông H có thể vận động bình thường. Tuy nhiên, sau khi sử dụng hết 5 liệu trình với giá 12,5 triệu đồng, bệnh tình ông H vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm và cũng không thể liên hệ được với người bán.

Hay như ông V.Đ.T, ngụ xã Phan, huyện Dương Minh Châu bị bệnh trĩ lâu ngày. Tình cờ thấy trang facebook có tên “T.H - BS” quảng cáo chuyên trị bệnh trĩ và là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nên ông liên hệ mua thuốc. Tuy nhiên, sau khi tiêu tốn gần 2,5 triệu đồng, bệnh tình của ông T vẫn không hề thuyên giảm. Ông đã nhiều lần liên hệ lại với “bác sĩ” H nhưng không được hồi âm.

Phóng viên thử liên hệ với “vị bác sĩ” này bằng 1 tin nhắn cần tư vấn điều trị bệnh và kèm theo số điện thoại. Ngay lập tức có người gọi lại, tự giới thiệu là bác sĩ tên T.H tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Người này tư vấn và giới thiệu liệu trình thuốc trị bệnh với giá 1,4 triệu đồng, nếu mua ngay sẽ được giảm còn 1,2 triệu đồng và miễn phí cước vận chuyển.

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ bệnh viện mà người bán thuốc cho biết “đang công tác ở đó” thì đơn vị này khẳng định không có bác sĩ nào tên T.H. Đồng thời, những bác sĩ đang công tác tại bệnh viện này không bán hàng qua mạng xã hội.

Nên đến cơ sở y tế

Trong thực tế, nhiều người bán thuốc trên mạng bỏ tiền mua lượt tương tác, thuê người viết bài đánh giá ảo, comment trên các trang bán hàng khen ngợi công hiệu của thuốc nhằm tạo sự tin tưởng cho người bệnh. Do đó, không ít người bị gian thương lừa dối.

Theo y sĩ Đào Thị Phi Phượng, thành viên Hội Đông y huyện Châu Thành, hiện nay có rất nhiều người bán thuốc đông y, thuốc bắc “vàng thau lẫn lộn” qua mạng xã hội. Theo quy định hiện hành, để được chứng nhận là cơ sở đông y gia truyền thì cơ sở đó phải có 3 đời làm nghề đông y, được trạm y tế, chính quyền địa phương xác nhận. Các bệnh nhân cần mua thuốc ở những cơ sở có giấy phép được Sở Y tế cấp phép hoạt động, có chuyên môn.  

Bà Phượng nhấn mạnh: “Thuốc đông y, thuốc gia truyền sẽ không có giá đến vài triệu một liệu trình. Đa phần những loại thuốc được rao bán trên mạng xã hội là thực phẩm chức năng, không thể trị bệnh nhưng bán với giá rất cao. Nếu người bệnh uống “thuốc đông y” chỉ 1, 2 ngày mà bệnh thuyên giảm tức là đã có thành phần thuốc tân dược trong đó.

Người dân cần cảnh giác với việc mua thuốc qua mạng xã hội, và phải hiểu thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh. Việc điều trị bệnh phải được người có chuyên môn ở cơ sở được ngành Y tế cấp phép hoạt động thì mới bảo đảm hiệu quả”.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục