Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiền tỷ chưa giúp Trung Quốc mua quyền lực mềm
Thứ tư: 20:03 ngày 11/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để củng cố quyền lực mềm ở châu Á nhưng họ đang gặp khó để giành thiện cảm của người dân khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 6 năm đã tăng gấp đôi ngân sách đối ngoại của nước này từ 30 tỷ lên 60 tỷ nhân dân tệ (8,5 tỷ USD) nhằm tăng cường hoạt động ngoại giao toàn cầu, theo báo cáo công bố hôm 10/12 từ phòng nghiên cứu AidData thuộc Đại học William & Mary ở Virginia, Mỹ.

"Ngoại giao công chúng là thành phần quan trọng trong bộ công cụ của Bắc Kinh nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm tàng, khắc phục những bất lợi nội bộ và vượt lên những đối thủ cạnh tranh trong khu vực", báo cáo cho biết. Nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác cùng Viện Chính sách Xã hội châu Á và Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

"Bộ công cụ để gây ảnh hưởng tới Nam và Trung Á" bao gồm các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ, hoạt động truyền thông do nhà nước hậu thuẫn, thành phố kết nghĩa, ngoại giao quân sự và Học viện Khổng Tử, nơi giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.

Báo cáo cho thấy 95% nguồn ngoại giao tài chính của Trung Quốc liên quan tới lĩnh vực cơ sở hạ tầng, 5% còn lại thuộc những lĩnh vực khác như hỗ trợ nhân đạo hay xóa nợ.

Hai nước chiếm một nửa các khoản đầu tư từ Bắc Kinh ở châu Á là Pakistan và Kazakhstan, những mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Vành đai Con đường do Chủ tịch Tập khởi xướng. Đây là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD nhưng hiện vấp phải không ít tranh cãi.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh tổ chức các sự kiện văn hóa, cấp học bổng và trao đổi sinh viên. Hầu hết các quốc gia ở Nam và Trung Á giờ đây có ít nhất một kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, bao gồm truyền hình, phát thanh và báo in.

Trung Quốc đã tổ chức 61 chuyến đi trao đổi cho các nhà báo Nam và Trung Á từ năm 2004 đến 2017. Theo bản báo cáo, việc Bắc Kinh chiếm thiện cảm của truyền thông các nước nhằm phục vụ mục tiêu mở rộng phạm vi phủ sóng ảnh hưởng, đồng thời ngăn chặn những tiếng nói chỉ trích tiêu cực nếu có. Tuy nhiên, các công cụ ngoại giao công chúng vẫn không đủ sức giúp Bắc Kinh thu về những lá phiếu ủng hộ trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc.

Trên khắp Nam Á, "khả năng hòa nhập với người dân bình thường" của Bắc Kinh là "vô cùng hời hợt", báo cáo nhấn mạnh.

Tại quốc gia láng giềng Kazakhstan, đã xuất hiện hiện tượng "kỳ thị Trung Quốc" "Sinophobia" trong giới tinh hoa. Giới lãnh đạo chính trị vẫn nương nhẹ với các tổ chức của người Duy Ngô Nhĩ ở Kazakhstan dù họ đã ký thỏa thuận với Trung Quốc nhằm giúp nước này ngăn chặn các phong trào ly khai, báo cáo cho hay.

Khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác với chủ yếu là người Hồi giáo được cho là đang bị giam tại các trại cải huấn ở khu vực Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc.

Bắc Kinh khẳng định các cơ sở đó là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Mỹ và các nước phương Tây không chấp nhận tuyên bố trên. Chính phủ Mỹ gần đây đã công bố loạt biện pháp trừng phạt đối với quan chức, các tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền ở Tân Cương".

Kazakhstan là nơi sinh sống của 75% người Duy Ngô Nhĩ trong khu vực. Theo báo cáo, "nếu Bắc Kinh muốn duy trì ổn định ở trong nước... họ có lẽ sẽ cần thuyết phục không chỉ giới tinh hoa chính trị mà cả công chúng Kazakhstan, vốn có khuynh hướng ủng hộ lợi ích cho những người anh em Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương".

Mặt khác, nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc cũng đang là điều khiến không ít quốc gia châu Á lo âu.

Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích, chủ yếu là từ các nước phương Tây, rằng họ đang "trói buộc" các nước nghèo và các nước đang phát triển bằng những khoản vay mà đối phương không có khả năng hoàn trả, để từ đó thúc đẩy ảnh hưởng chính trị.

Bắc Kinh bác cáo buộc, khẳng định các khoản vay của họ là rất cần thiết và được hoan nghênh ở những nước bị phương Tây bỏ qua, đồng thời chỉ ra việc họ cung cấp chúng mà không đi kèm bất cứ điều kiện chính trị nào.

Nguồn VNE (Theo AFP)

Tin cùng chuyên mục