Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiếng chuông chùa giữa biển đảo thiêng liêng Tổ quốc
Thứ năm: 21:50 ngày 16/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếng chuông chùa luôn là một âm thanh kỳ diệu, vang xa giữa thinh không, thâm trầm giữa những náo nhiệt, xóa tan đi bao phiền não, lo toan. Tại nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sự hiện hữu của tiếng chuông chùa còn thể hiện tâm nguyện và khát vọng cuộc sống yên lành, hòa bình và hữu nghị giữa biển Đông.

Đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa nằm cách bán đảo Cam Ranh hơn 300 hải lý. Nhìn từ xa, hòn đảo như hòn ngọc lục bảo nổi lên giữa đại dương mênh mông. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu nước biển tạo nên một màu xanh thật thanh bình. Càng đến gần, đập vào mắt không chỉ có riêng màu xanh ấy mà còn cả màu ngói đỏ, thấp thoáng bóng hình của một ngôi chùa Việt.

Chùa Song Tử Tây uy nghi, trầm mặc, là ngôi chùa lớn nhất trong 9 ngôi chùa trên 9 đảo của huyện đảo Trường Sa. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với kết cấu tổng thể, dáng dấp và cảnh quan thuần Việt, hoà với cảnh quan cây xanh.

Chùa có đủ tam quan, sân chùa, gác chuông, cấu trúc hình chữ Đinh với nhà chính điện nối thẳng góc với nhà tiền đường. Mái nghiêng, lợp ngói và vút cong ở đầu đao, mang nét đặc trưng không lẫn với bất kể chùa nào của các nước Châu Á.

Tất cả hệ thống tên chùa, văn bia, hoành phi, các bức đại tự, câu đối đều được sơn son thếp vàng và sử dụng chữ tiếng Việt như một sự khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền và văn hoá Việt Nam. Điều đặc biệt là, các ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa đều có chính điện hướng về Thủ đô Hà Nội với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về “trái tim” của cả nước.

Sự hiện hữu của ngôi chùa như một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bà con nơi biển, đảo xa xôi và có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người sinh sống, đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ nơi đảo xa. Mọi người đến chùa cũng là hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về đất liền và cầu mong sóng yên, biển lặng, may mắn, an lành...

Đại đức Thích Nhuận Vạn, Trụ trì chùa Song Tử Tây chia sẻ, vào những ngày rằm, mùng một, ngày Lễ Phật Đản hay lễ Vu Lan báo hiếu, mọi người đều tới sum họp bên cảnh chùa Song Tử Tây, cùng làm công tác Phật sự ở chùa.

Tất cả hệ thống tên chùa, văn bia, hoành phi, câu đối đều được sử dụng chữ tiếng Việt như một sự khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc, khẳng định chủ quyền và văn hoá Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiên An, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa cho biết, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân hằng tháng vào các ngày rằm, mùng một đến hỗ trợ sư thầy quét dọn vệ sinh phục vụ các đoàn dân chính Đảng ra thăm viếng cảnh chùa, cũng như cơ quan đơn vị.

Chùa Song Tử Tây được xây dựng từ năm 2008 và vừa trải qua một đợt tu sửa vào năm 2023. Trong suốt khoảng thời gian đó, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống để chùa Song Tử Tây thực sự là một cột mốc tinh thần, hiện thân cho hệ giá trị văn hoá truyền thống với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, bảo vệ mảnh đất máu thịt của Tổ quốc.

Thế Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục