Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiếng rao ngày ấy, bây giờ
Chủ nhật: 18:47 ngày 15/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có khi là: “Khoai mì, khoai lang, bánh tằm, bánh tét... đê” trong buổi sáng bụng đang đói cồn cào. Có khi là: “Ai chè đậu xanh nước dừa đường cát… hông” kéo dài ra giữa trưa hè nghe thanh ngọt làm sao, như có ai đó quạt cho một luồng gió mát.

Lâu và xưa lắm rồi- thuở đám nhóc tì như tôi tầm 6, 7 tuổi thì cái chợ-mi-ni-di-động có lẽ đã hình thành. Đôi gióng gánh quảy trên vai; cái mâm, cái sề, cái mẹt trên đầu hoặc cắp bên hông; các bà, các cô, các chị sải những bước chân chai sần lam lũ đội nắng, đội mưa len lỏi khắp hang cùng ngõ hẹp trong cuộc mưu sinh nhiều vất vả.

Trong các thau, mâm, sề, mẹt… ấy chủ yếu là những món quà dân dã ăn “lót lòng” vào sáng sớm hoặc ăn giặm thêm ngoài hai bữa ăn chính hằng ngày. Tất nhiên không thể thiếu tiếng rao mời gọi chào hàng. Có khi là: “Khoai mì, khoai lang, bánh tằm, bánh tét... đê” trong buổi sáng bụng đang đói cồn cào. Có khi là: “Ai chè đậu xanh nước dừa đường cát… hông” kéo dài ra giữa trưa hè nghe thanh ngọt làm sao, như có ai đó quạt cho một luồng gió mát.

Song song với loại hình bán hàng trên còn đi xe đạp và dùng các công cụ phát ra âm thanh làm tín hiệu thay tiếng rao mà ai nghe cũng biết. Đó là chiếc xe bánh mì với cái thùng đóng bằng gỗ bọc thiếc xung quanh, chia nhiều ngăn, buộc trên yên sau xe đựng các nguyên phụ liệu. Còn có cây kèn nhỏ bằng cao su mỏng gắn ở trước tay cầm xe, khi bóp-thả nghe “toe-tí-toe”.

Ổ bánh mì hồi đó hầu hết dẹp và dài chừng 2 gang tay người lớn; thức ăn kèm theo là cá mòi hoặc xíu mại, thêm dưa leo, xì dầu… chứ chưa có pa-tê, chả lụa, thịt nguội… như bây giờ. Có thể nói không quá lời rằng bánh mì một thời là “bạn đường” của bao người- nhất là học sinh, sinh viên nghèo, xa nhà lên trọ học. Thế nên mới phát sinh ra những tiếng lóng “thổi kèn” hay “cơm tay cầm” để duy nhất chỉ món ăn bánh mì! Riêng tôi, có một kỷ niệm mỗi khi nhắc lại tôi còn cười nôn về loại “cơm” này.

Mùa hè năm lớp 3, tôi theo mẹ về chơi nhà ngoại ở một tỉnh miền Tây. Sáng hôm đầu tiên nghe tiếng kèn “toe-toe” từ xa, tôi đã co giò chạy nhanh ra lộ, miệng vừa í ới “bánh mì, bánh mì”, còn tay thì ngoắt lia lịa. Chú người lạ dừng xe đạp tròn mắt nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên lắm. Còn các cậu, các dì của tôi được một trận cười vỡ bụng. Thì ra, ở một số địa phương khác, kèn bánh mì nơi tôi sống còn là tín hiệu của những người đi… thiến heo dạo.

Một món quà vặt khác ngòn ngọt, deo dẻo, beo béo, bùi bùi cũng độc đáo và thu hút không kém. Mỗi lần nghe tiếng chuông rung leng keng là bọn nhóc chúng tôi như chờ sẵn ở đâu đó ùa ra bu đen bu đỏ quanh xe kẹo kéo. Cái hộp gỗ ở sau yên chiếc xe đạp đựng duy nhất cây kẹo kéo to bằng bắp chân người lớn, được bao bọc trong giấy kiếng bóng.

Từ đó, người bán kéo ra những thanh kẹo to bằng ngón tay, dài ngắn tuỳ theo số tiền mua. Vừa kéo kẹo, miệng ông vừa liến thoắng: “Cô nào chồng bỏ chồng chê/ Mua cây kẹo kéo chồng mê tới già…” nghe vui tai. Cũng có người còn khuyến mãi chiêu quay số để dễ dụ bọn nhỏ.

Song, dù có quay lọt trúng vào ô số bao nhiêu, thì vẫn là thanh kẹo bình thường, nhưng với thủ thuật và mánh lới của người bán, họ chỉ… kéo dài thêm ra… chút đỉnh. Thật đúng với cái tên gọi: kẹo… kéo. Không sao cả! Vì với bọn nhỏ vui là chính. Vì cái tuổi ngờ nghệch vô tư nào biết so đo tính toán gì đâu.

Người ta thường bảo bây giờ là thời của công nghiệp, hiện đại hoá nên người bán cũng “lên đời” đến cả tiếng rao. Một buổi sáng nào đó, nếu có dịp đi ngang cửa 8 chợ Long Hoa, tai bạn sẽ bị khủng bố bởi một dàn “máy rao” với những âm thanh đâm bổ vào nhau phát ra từ những xe trái cây “bao ngon bao ngọt” được cho là chở từ miền Tây lên.

Nhiễu loạn. Lộn xộn. Họ như sợ ai giành lấy khoảng không gian chật hẹp mà huyên náo giữa lòng phố xá. Làm người mua cũng mất phương hướng, không biết đâu mà lần. Còn vào tận các xóm ấp, người bán (cả mua) hàng dạo thường đi bằng xe máy- thậm chí có cả ô tô con, xe bán tải. Bán và mua từ thượng vàng đến hạ cám. Nào là “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ hai ngàn một ổ” đến “Bánh bông lan mười ngàn ba cái”.

Từ mua “Tivi, tủ lạnh, laptop” đến “Tủ, ghế, bàn…”. Tất nhiên, để không hao hơi tổn tiếng, họ thu âm sẵn lời rao vào băng cassette, và cứ thế phát ra suốt ngày này tháng nọ. Còn có những tiếng rao không lời. Đó là những tấm bảng “thay lời muốn nói” mà người bán bày ở vỉa hè đường phố; trên đó ghi giá cả các mặt hàng như: “Áo sơ mi nam 100k/3 cái”, “Dép da 35k/ đôi” v.v. và v. v.

 …Không ai có thể quay lùi thời gian về những tháng những năm xưa cũ. Song, trong khoảng mênh mông ký ức ấy, những tiếng rao nghe từ thuở tuổi thơ hồn nhiên êm đềm đã phần nào ăn sâu vào tiềm thức… Giữa những xô bồ hỗn độn của cuộc đời, dẫu có nhung nhớ, sâu lắng bao nhiêu thì cũng chỉ là một chút hoài niệm.

HÀ NHỮ UYÊN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục