Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tung tung…tung tung tung…
Tiếng trống vang khắp sân nhà, nhưng đó chỉ là cái trống làm từ cái thùng bê nên cứ tung…tung…tung chả ra nhịp nào cả. Nhưng có sao đâu, đó là niềm vui của thằng em nhỏ. Đầu lân được làm từ cái rổ, mẹ tôi lấy cái khăn tắm cũ cột vào rổ làm đuôi lân. Đơn giản mà cũng có đầu lân cho em múa, có đuôi lân cho thằng bạn hàng xóm của em giũ qua giũ lại. Tụi nó cũng biết các thế múa như lân lạy, lân ngủ và té lăn tròn.
Hồi còn nhỏ, tôi cũng rất mê xem múa lân, cứ luôn thắc mắc trong đầu con lân có gì, người ta làm sao để con lân có mắt chớp chớp, có mũi to to và nhất là cái hàm răng trắng ởn to đùng, có thể ăn một lúc cả dĩa trái cây. Còn cái đuôi con lân nữa, tôi biết là làm bằng miếng vải đấy, nhưng sao nó lấy bánh được và cái người giũ đuôi lân đó sao cứ lộn tùng phèo cùng người múa rất nhịp nhàng?
Tôi được xem múa lân nhiều nhất là sáng mùng Một tết và ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3. Mẹ tôi có lệ là sáng mùng Một cả nhà đều đi chùa cầu phúc cho năm mới. Lúc ấy có đoàn lân múa tại chùa, múa lâu lắm, đứng xem mỏi cả chân mà vẫn chưa hết.
Đoàn lân múa ở chùa có đến năm con đỏ, đen, xanh, vàng, trắng và họ múa các thế như lân leo cột tre, lân lên mai hoa thung, lân tranh long châu… hay ơi là hay. Tôi sợ nhất lúc lân làm trò “ăn” trẻ em vì bọn trẻ như tôi thường hay xáp vô cái đầu lân to bè để nhìn cho kỹ… con lân.
Bây giờ lớn rồi, tôi đã biết con lân chỉ làm từ giấy cac-tông và nan tre, bột hồ chẳng có gì đáng sợ. Nhưng tiếng trống lân vẫn làm rộn rã trong lòng vì biết rằng tiếng trống ấy vang lên là mùa tết đã về.
Thằng em tôi lại đánh tung tung vào đít chiếc thùng bê kèm lời réo gọi “Anh Ba ơi ra đánh trống cho Bo múa đi. Thằng Bảo mệt nghỉ rồi”. Ừ thì đánh trống, tiếng trống tung tung giòn tan thúc giục chị xuân mau đến bên thềm, cho em tôi và đám bạn xúng xính quần áo mới, tay ngập bao lì xì và miệng vang lời chúc xuân...
Tự dưng thấy thèm trở lại thời tuổi thơ quá đỗi.
PHAN HOÀNG KHANG