Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN VIỆT NAM:
Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Thứ sáu: 00:23 ngày 03/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 29.5, tại Trung tâm hội nghị Sơn La (tỉnh Sơn La), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Đây là lần thứ 4 hội nghị được tổ chức và là hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; lãnh đạo các ban Đảng, các uỷ ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 200 nông dân tiêu biểu, trong đó, 29 nông dân tiêu biểu đại diện cho nông dân cả nước, trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 62 điểm cầu trên cả nước. Ở điểm cầu Tây Ninh, tham dự có Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Các câu hỏi, kiến nghị của nông dân với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào các nhóm vấn đề: giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, nông dân mong muốn Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo nhằm bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất; vấn đề đất đai và cơ chế để nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp; vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, tín dụng để phát triển sản xuất, giải pháp đối với “Tín dụng đen”; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thúc đẩy du lịch nông thôn, bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương.

Ngoài ra là các vấn đề, kiến nghị khác như: tình trạng biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc; công tác khoa học công nghệ với nghiên cứu giống; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Tại hội nghị, các ý kiến của nông dân đã được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ những khó khăn, thách thức của nông dân trong thời gian qua đã cùng với cả nước trong công tác chống đại dịch Covid-19. Mặc dù dịch bệnh ở nước ta đã được khống chế, tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp khó lường, do đó, không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác.

Thủ tướng cho biết, chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng vẫn cần phải chủ động hội nhập; cần phải bám sát thực tiễn, từ đó, đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phát huy nội lực, tự tin phát triển.

Qua 3 cuộc đối thoại trước đây, cần xem lại những gì đã làm tốt, những gì làm chưa tốt để phát huy những điểm tốt, rút kinh nghiệm và khắc phục những điểm hạn chế, bất cập. Muốn tự chủ vươn lên thì nội lực phải là chính, trong đó, con người là quan trọng nhất; thứ hai là sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả; thứ ba là truyền thống lịch sử văn hoá đậm đà bản sắc.

Nguồn lực bên ngoài cũng rất quan trọng, cần đột phá thường xuyên: kinh nghiệm quản trị, nâng cao trình độ người nông dân; trình độ quản lý về nông nghiệp, nông thôn; nguồn vốn; khoa học công nghệ; thị trường; đa dạng hoá các chuỗi cung ứng...

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, thường xuyên lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; có các giải pháp khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục