Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tiếp thêm nguồn lực cho hợp tác xã phát triển trong xu thế mới
Thứ hai: 14:26 ngày 22/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều HTX nhờ tiếp cận được các nguồn lực về cơ sở hạ tầng, công nghệ, vốn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị… đã phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước gia tăng hiệu quả hoạt động.

Mô hình trồng bưởi da xanh trên địa bàn xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu)

Thời gian qua, có nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp làm tốt vai trò liên kết nông dân, từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Ngoài ra, các HTX còn ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cơ giới hoá sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, từ đó tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Các HTX nông nghiệp còn tổ chức cung ứng một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất của thành viên như: giống, vật tư, phân bón, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, vay vốn; tổ chức tiêu thụ, hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, các hộ sản xuất nhỏ lẻ tránh được tình trạng bị ép giá, hiệu quả sản xuất được tăng lên.

Nhiều điểm sáng trong phát triển HTX

Theo UBND huyện Gò Dầu, các HTX trên địa bàn huyện đã chủ động trong sản xuất kinh doanh, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư trong xã hội, tạo lập mối quan hệ trong nội bộ HTX và quan hệ với các thành phần kinh tế khác. Nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn đã thể hiện được vai trò dẫn dắt, hỗ trợ thành viên HTX tăng thu nhập khi tham gia HTX.

Đến nay, huyện có 19 HTX, gồm: 2 quỹ tín dụng nhân dân, 14 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại và 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, toàn huyện có 400 thành viên lao động thường xuyên của HTX; tổng doanh thu bình quân năm 2023 của 14 HTX đạt hơn 7 tỷ đồng, lợi nhuận là hơn 2,9 tỷ đồng, thu nhập bình quân của lao động là 8,96 triệu đồng/tháng. Có 4 HTX ứng dụng công nghệ cao trong canh tác như: sử dụng máy cấy lúa, nhà màng trong sản xuất rau; áp dụng công nghệ tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong kinh doanh. HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và quy mô hoạt động của kinh tế thành viên.

Còn trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, nhờ khai thác tốt chính sách hỗ trợ, mô hình kinh tế tập thể- mà nòng cốt là HTX- đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả trong sản xuất, kinh doanh.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các HTX hoạt động hiệu quả ở địa phương đã phát huy được vai trò trong xây dựng nông thôn mới. Với hình thức sản xuất gắn liền tiêu thụ sản phẩm, HTX đã vận động thành viên tập trung sản xuất liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, giống và tìm đầu ra sản phẩm thông qua các dịch vụ của HTX.

Thời gian qua, huyện Dương Minh Châu tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX phát triển. Đối với chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới đối với HTX, huyện hỗ trợ 3 tổ hợp tác tham gia chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thuỷ sản gồm: Tổ hợp tác trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP xã Cầu Khởi, Tổ hợp tác trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP xã Bàu Năng, Tổ hợp tác trồng mãng cầu xiêm hoa vàng xã Lộc Ninh.

Về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX nông nghiệp, huyện chỉ đạo tham mưu phê duyệt kế hoạch liên kết nuôi cá lóc gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Cụ thể, huyện liên kết giữa HTX dịch vụ nông nghiệp Lộc Ninh và Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản Lộc Hiệp, xã Lộc Ninh. Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản Lộc Hiệp cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn cá tươi/năm và 17 tấn cá khô/năm.

Đối với chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kế hoạch năm 2023 hỗ trợ HTX nông nghiệp Truông Mít vốn đầu tư hạ tầng sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu theo chuỗi liên kết hơn 1 tỷ đồng và đang chờ UBND tỉnh phân khai vốn.

Người dân sơ chế rau ăn lá tại HTX nông nghiệp Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu)

Đồng hành cùng HTX

HTX sản xuất kinh doanh rau an toàn và dịch vụ nông nghiệp xã Cầu Khởi hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất rau sạch và thu mua nông sản hoạt động có hiệu quả và là chỗ dựa đáng tin cậy của nông dân. Nhờ đó, nông dân có điều kiện chủ động mua vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống sử dụng vào sản xuất kịp thời vụ; đồng thời, được hướng dẫn chuyển giao các kiến thức khoa học và kỹ thuật nên có điều kiện và kỹ năng để thâm canh tăng năng suất.

Vốn hoạt động của HTX là 200 triệu đồng, với 30 thành viên. Đây là vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông nghiệp xã Cầu Khởi và các thành viên HTX. Tuy nhiên, do nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, phải thuê mướn trụ sở làm việc, kho hàng, đất sản xuất; hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên còn lệ thuộc điều kiện tự nhiên; tình hình giá cả hàng hoá không ổn định, giá các loại vật tư phục vụ cho nông nghiệp luôn ở mức cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của HTX.

Thách thức đặt ra hiện nay là cơ chế, chính sách, hạ tầng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn còn nhiều vướng mắc; giá cả một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất vẫn cao trong khi giá nông sản không ổn định; cạnh tranh thị trường trong nước và thế giới về nông sản. Để giải quyết vấn đề trên đòi hỏi phải phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương với sản lượng lớn và chất lượng bảo đảm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững HTX là phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng những yêu cầu đặt ra và xu hướng mới phát triển kinh tế tập thể. Việc tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị giúp HTX giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên. Đồng thời, việc này còn góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung.

Người dân thu hoạch cá lóc trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Mục tiêu phát triển HTX trong năm 2024 là phát triển số lượng, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX, tổ hợp tác; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành, nghề, lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu; thu hút người dân tham gia HTX và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể, HTX nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các lớp đào tạo, tập huấn về tăng cường năng lực quản trị cho cán bộ HTX, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, thực hiện hợp đồng cung ứng dịch vụ cho thành viên. Nhiều HTX nhờ tiếp cận được các nguồn lực về cơ sở hạ tầng, công nghệ, vốn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị… đã phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước gia tăng hiệu quả hoạt động, mang lại lợi ích cho thành viên tham gia vào HTX.

Ngoài ra, để HTX tiếp cận các nguồn lực phát triển trong xu thế mới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp cùng với các sở, ngành hỗ trợ các HTX tiếp cận các chương trình, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư mở hướng phát triển kinh doanh theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho các HTX phát triển, thu hút thành viên, tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn; hỗ trợ HTX chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh theo xu thế mới…

Nhi Trần - Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục