Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm mong cử tri thành phố Tây Ninh chia sẻ, đồng hành cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị...
Người dân lấy thuốc tại quầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Từ ngày 2 đến 4.11, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cùng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và các đại biểu HĐND tỉnh, thành phố Tây Ninh tiếp xúc cử tri các phường, xã trên địa bàn Thành phố. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được đại biểu ghi nhận, trả lời. Lãnh đạo tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành chức năng trực tiếp xuống cơ sở để khảo sát, có phương án giải quyết kịp thời các vấn đề, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN VỀ ĐẤU THẦU THUỐC
Tại hầu hết các điểm tiếp xúc, cử tri đều có ý kiến về tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế công lập. Cử tri Lê Hoàng Nam (phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) phản ánh: “Suốt thời gian qua, người dân khi đến bệnh viện, Trung tâm Y tế Thành phố khám bệnh chỉ được bác sĩ kê toa để tự đi mua thuốc ở ngoài. Trong bệnh viện, trung tâm y tế không có thuốc nhưng ở các tiệm thuốc tây thì loại gì cũng có. Tình trạng này diễn ra đã nhiều tháng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người có BHYT và gây khó khăn cho cơ sở khi vận động người dân tham gia BHYT”.
Để cử tri hiểu, thông cảm về tình trạng thiếu thuốc BHYT, lãnh đạo tỉnh và thành phố Tây Ninh thẳng thắn trao đổi, cung cấp thông tin về khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc hiện nay. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định: “Các cơ sở y tế công lập để thiếu thuốc là trách nhiệm của Nhà nước, lãnh đạo tỉnh xin nhận trách nhiệm. Nguồn cung thuốc của các bệnh viện, đơn vị y tế công lập khác tư nhân bên ngoài.
Đối với y tế tư nhân, nếu thiếu có thể tự bỏ tiền mua, tự quyết theo số tiền và nhu cầu, không phải theo cơ chế đấu thầu; còn các đơn vị y tế công lập mua thuốc từ ngân sách Nhà nước bắt buộc phải qua đấu thầu. Việc đấu thầu thuốc hiện nay gặp nhiều khó khăn, có cả khách quan và chủ quan”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, thủ tục đấu thầu thuốc hiện khá rườm rà. Thứ hai, một gói thầu thuốc có hàng trăm loại khác nhau. Đơn cử vừa qua, UBND tỉnh duyệt chủ trương để ngành Y tế đấu thầu gần 900 loại thuốc/gói thầu, với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Trong khi đó, các nhà phân phối thuốc lớn hiện nay rất ít. Thứ ba, phần lớn thuốc đều phải nhập khẩu, giá thuốc bên ngoài tăng cao sau đại dịch, trong khi đó ngân sách không phải lúc nào cũng đáp ứng hết nhu cầu này. Hầu hết bệnh viện công vẫn là đơn vị sự nghiệp, phụ thuộc ngân sách Nhà nước.
Về nguyên nhân chủ quan, sau đại dịch Covid-19, một số cá nhân bị xử lý hình sự do các sai phạm liên quan đến thuốc, sinh phẩm xét nghiệm. Mặt khác, cơ chế chính sách về công tác đấu thầu thuốc chưa rõ dẫn đến nhiều cá nhân e ngại. Về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội đã có phản ánh, đề nghị Trung ương sớm có cơ chế đấu thầu thuốc đặc thù cho ngành Y, không thể áp theo cơ chế đấu thầu chung với các dự án ngành khác.
Đây là thách thức cho cả hệ thống y tế công lập, hiện nay cả Trung ương và tỉnh đều đang tháo gỡ từng bước, để cán bộ mạnh dạn hơn trong thực hiện đấu thầu. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo vấn đề này, hy vọng cùng với nỗ lực chung, thời gian tới tình trạng khan hiếm thuốc sẽ giảm, mong cử tri hiểu và chia sẻ.
Ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh cũng nằm trong tình trạng chung là không có thuốc. Lãnh đạo tỉnh đã cho chủ trương thanh toán toàn bộ hoá đơn tiền mua thuốc bên ngoài theo toa bác sĩ của Ban kê đơn cho các cán bộ được hưởng chính sách. Đây là nội dung được Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm thông tin tới cử tri tại buổi tiếp xúc tại phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh.
Hiện trạng thi công nâng cấp hẻm số 5 (đường Huỳnh Tấn Phát, phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh).
MONG NGƯỜI DÂN CHUNG TAY XÂY DỰNG ĐÔ THỊ VĂN MINH
Bên cạnh phản ánh vấn đề nổi cộm về thiếu thuốc, cử tri thành phố Tây Ninh tiếp tục phản ánh, kiến nghị nhiều nội dung về vấn đề môi trường, văn minh đô thị, kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn Thành phố. Cử tri Phan Minh Đức (phường Hiệp Ninh) đồng tình khi nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, mở rộng khang trang.
Tuy nhiên, ông đề nghị trong quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, tỉnh, thành phố cần quan tâm thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng đường mới làm xong lại bị đào xới để thi công các công trình của ngành điện, nước, vừa ảnh hưởng an toàn giao thông vừa làm mất mỹ quan đô thị.
Cử tri Bùi Công Thành (xã Tân Bình) phản ánh: “Đường Trần Văn Trà từ ngã ba Cầu Gió tới xã Bình Minh xuống cấp trầm trọng, mất an toàn giao thông. Người dân đã trộn bê tông tự giặm vá đường nhưng chỉ một thời gian ngắn là tiếp tục bị hư hỏng.
Cử tri đề nghị lãnh đạo tỉnh, thành phố quan tâm sớm sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này để bảo đảm an toàn”. Tiếp thu ý kiến cử tri phản ánh về tình trạng xuống cấp của đường Trần Văn Trà, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải hoàn chỉnh thủ tục sửa chữa, dự kiến ngày 15.11 khởi công; về lâu dài sẽ lập đề án nâng cấp, mở rộng đường để được bố trí vốn thực hiện.
Ngoài ra, tại các buổi tiếp xúc, cử tri Thành phố tiếp tục phản ánh, kiến nghị về tình trạng thu gom rác thải chậm trễ, người dân còn vứt rác bừa bãi ra các ngã ba, ngã tư đường; đề nghị chính quyền địa phương và công ty nước sạch quan tâm đầu tư hệ thống nước; tình trạng một số tuyến đường hẻm nội thị xuống cấp cần được quan tâm đầu tư, nâng cấp hoặc đã đầu tư nhưng không đồng bộ, chỗ có vỉa hè chỗ không có; đường chưa có hệ thống đèn chiếu sáng...
Trả lời cử tri về vấn đề đầu tư xây dựng các tuyến đường hẻm, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết, hiện nay có hai hình thức thực hiện: Đối với các hẻm không có quy hoạch, sẽ đầu tư theo hiện trạng và bổ sung thêm hệ thống thoát nước; đối với các hẻm có quy hoạch sẽ thực hiện đúng thiết kế có lòng đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước.
Tuy nhiên, trên thực tế triển khai các tuyến hẻm có quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, một phần do việc thông tin tuyên truyền, triển khai chủ trương từ Thành phố tới cơ sở và công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt. Một số tuyến khi thi công chưa bảo đảm đúng thiết kế, có đoạn vỉa hè mỗi bên 2m, có đoạn không đạt.
Lý do là quy hoạch nhưng không đền bù mà thực hiện vận động người dân để xây dựng đường theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước đầu tư kinh phí để bảo đảm hạ tầng, người dân hiến đất, vật kiến trúc trên đất để bảo đảm diện tích đường theo quy hoạch, nhưng có những tuyến đường chưa nhận được sự đồng thuận của 100% hộ dân.
Để chuẩn bị đầu tư năm 2023 và những năm tiếp theo tốt hơn, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh cho biết, UBND Thành phố chỉ đạo các phường, xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia.
Nguồn ngân sách có hạn trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn, nếu không có sự ủng hộ, đồng thuận của người dân sẽ rất khó để đầu tư xây dựng các tuyến giao thông đồng bộ, sạch đẹp. Khi địa phương bàn giao đủ mặt bằng thì Thành phố phân bổ kinh phí xây dựng các hẻm giao thông.
Trường hợp tới thời hạn mà phường, xã nào chưa bàn giao được mặt bằng, Thành phố sẽ rút vốn và chuyển giao cho địa phương khác. Lãnh đạo Thành uỷ, UBND thành phố Tây Ninh cho rằng khi được đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông nói riêng, hạ tầng đô thị nói chung. Đối với vấn đề rác thải, lãnh đạo UBND Thành phố đã tiếp nhận nhiều phản ánh của cử tri tại các kỳ tiếp xúc và sẽ tổ chức cuộc họp chuyên đề với các đơn vị liên quan để có hướng giải quyết.
Những năm qua, thành phố Tây Ninh là địa phương được tỉnh ưu tiên phân bổ ngân sách nhiều nhất trong chương trình mục tiêu phát triển đô thị và lựa chọn làm điểm xây dựng đô thị văn minh. Mục tiêu hướng đến thành phố Tây Ninh đạt chuẩn đô thị loại II không phải là để được công nhận mà là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tuy nhiên, nguồn ngân sách có hạn trong khi có rất nhiều công trình hạ tầng cần được đầu tư, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm mong cử tri thành phố Tây Ninh chia sẻ, đồng hành cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị và có sự tham gia, đồng thuận cao trong công tác giải phóng mặt bằng; trong đó cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu.
PHƯƠNG THUÝ