Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống ngập đô thị
Thứ sáu: 18:01 ngày 22/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tuân thủ hành lang bảo vệ các tuyến tiêu thoát nước chính của đô thị và ban hành Quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng tại các đô thị trên địa bàn thành phố Tây Ninh và huyện Hòa Thành.

Thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức người dân bảo vệ không lấn chiếm hành lang sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng; không xả rác xuống cống, hố ga gây tắc nghẽn mạng lưới thoát nước. Tuyên truyền, vận động người dân xung quanh kênh rạch ủng hộ, đồng thuận việc giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án hạ tầng chống ngập úng đô thị.

Đề án tổng thể chống ngập úng khu vực thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành giai đoạn 2019-2020, 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 đã xác định những vị trí, khu vực, điểm ngập thường xuyên, cục bộ và đề ra các giải pháp, biện pháp khắc phục, đề xuất các dự án thoát nước (gồm 5 dự án chính) làm cơ sở định hình khung kiểm soát tiêu thoát nước tổng thể trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành thời gian qua. 

Người dân phải nâng cao ý thức bảo vệ hành lang kênh rạch thoát nước đô thị.

Tại thành phố Tây Ninh, có 7 điểm chính bị ngập khi mưa lớn kéo dài (ngập khi đang mưa và sau mưa) thuộc khu vực phường 1, 2, 3, 4, phường Hiệp Ninh, khu vực phường Ninh Thạnh, phía Bắc kênh Tây và một số tuyến đường ngập cục bộ khi có lượng mưa lớn (đoạn giao đường Hoàng Lê Kha và đường 30.4; trước Chi cục Kiểm Lâm Tây Ninh; đoạn đường CMT8 khu vực cây xăng Thế Hiển đến ngã 3 đường Nguyễn Trãi; Khu vực hẻm số 99 đường CMT8 và đoạn UBND phường Hiệp Ninh nối đường Lý Thường Kiệt và Lạc Long Quân; khu vực phía sau chợ Phường IV; Khu vực suối Vàng cạn xã Thạnh Tân, xã Tân Bình).

Tại thị xã Hòa Thành: Khu vực ngập lớn nhất tập trung quanh khu bàu Cà Na xuống cống Tân Hương, cống Kiều; 4 điểm bị ngập úng kéo dài tại các khu vực dân cư thuộc các phường Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung, xã Trường Tây và các khu vực còn lại chủ yếu ngập cục bộ….

Thời gian qua, có 4 dự án do cấp tỉnh đầu tư và 14 dự án (gồm hạng mục thoát nước) do cấp huyện đầu tư đã góp phần giải quyết tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành. Ngoài ra còn có các dự án kết hợp triển khai trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành. Nhìn chung các dự án được triển khai đều mang lại hiệu quả đảm bảo thoát nước như mục tiêu đề ra.

Cơ bản các dự án chống ngập theo đề án (4 dự án do cấp tỉnh đầu tư) cùng với việc triển khai các dự án kết hợp tại địa phương (14 dự án do cấp huyện đầu tư) và thực hiện nạo vét định kỳ mương, cống, hố ga thoát nước đã phát huy được hiệu quả công tác chống ngập úng tại 2 đô thị (thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành). Nhìn chung đã giải quyết được tình trạng ngập úng trên địa bàn thị xã Hòa Thành, điểm ngập số 2, số 4, điểm ngập 140 ha tại phường Ninh Thạnh và cơ bản một phần điểm ngập số 3, số 5, số 6 thuộc thành phố Tây Ninh, tỷ lệ giảm ngập úng đạt khoảng 68% so với mục tiêu đề án đề ra.

Đề án thoát nước đô thị thành phố Tây Ninh và một phần thị xã Hòa Thành đã phát huy hiệu quả sau khi triển khai

Về các điểm ngập còn tồn tại trên địa bàn thành phố Tây Ninh, qua theo dõi, rà soát tình trạng ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh khi có mưa lớn kéo dài trong thời gian qua, ghi nhận tình trạng ngập úng thường xuyên tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Tây Ninh. Nguyên nhân chung do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa lớn đột ngột, kéo dài, diễn ra ngày càng nhiều, cùng với triều cường xảy ra, lượng mưa vượt quá tần suất thiết kế gây ngập úng; hệ thống hạ tầng thoát nước một số nơi chưa đồng bộ, chưa có hệ thống thoát nước mưa; còn nhiều tuyến cống đã được hình thành từ khá lâu, trải qua nhiều thời kỳ, dù đã được cải tạo, nâng cấp nhưng còn chắp vá, thiếu tính kết nối giữa hệ thống thoát nước mới và cũ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa; công tác duy tu nạo vét chưa được quan tâm thực hiện kịp thời và thường xuyên; một số dự án chậm triển khai hoặc triển khai nhưng chưa đảm bảo quy mô đầu tư theo đúng mục tiêu đề án được duyệt chưa khớp nối hạ tầng, khơi thông hệ thống thoát nước; nguồn vốn ngân sách đầu tư cho hệ thống thoát nước còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước (Bời lời; ĐT.784, ĐT.793; Trần Văn Trà; Trần Phú; Nguyễn Văn Rốp…) và hệ thống thoát nước hoạt động quá tải CMT8; 30.4…). Đa số các tuyến hẻm trên địa bàn thành phố Tây Ninh chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, chưa có hệ thống thoát nước chính để đấu nối các hệ thống thoát nước thu gom từng khu vực, chưa triển khai các dự án hồ điều hoà theo quy hoạch nên việc thoát nước, đấu nối thoát nước cũng gặp khó khăn.

Hiện các dự án đang triển khai và chuẩn bị đầu tư, tại thành phố Tây Ninh: dự án chỉnh trang đường CMT8 (đoạn từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ, dự kiến khởi công năm 2024; dự án đường Nguyễn Văn Rốp; dự án sửa chữa hệ thống thoát nước trên đường ĐT.784; chuẩn bị đầu tư các hẻm đường Nguyễn Văn Rốp, hẻm 9 đường Trưng Nữ Vương, hẻm 19 đường Tua Hai; nghiên cứu, khảo sát, đề xuất phương án khả thi để thực hiện chỉnh trang rạch Tây Ninh. Tại thị xã Hòa Thành: dự án Mở rộng và Hệ thống thoát nước đường Tôn Đức Thắng (từ đường Thượng Thâu Thanh đến QL22B), dự kiến hoàn thành năm 2026.

Tiến tới kiên cố hóa các hệ thống kênh mương để đảm bảo tiêu thoát nước ( ảnh rạch Ao Hồ)

Tiếp tục rà soát thực hiện các giải pháp, triển khai đầu tư xây dựng các dự án để giải quyết triệt để các điểm ngập đề án đã xác định, nghiên cứu đầu tư mở rộng lòng kênh (kiên cố hóa) các tuyến kênh, rạch thoát nước chính; thường xuyên theo dõi các điểm ngập đã giải quyết và kịp thời đưa ra các giải pháp, phương án xử lý, đầu tư đồng bộ, hiệu quả để tránh tình trạng tái diễn ngập khi có mưa.

UBND tỉnh đề nghị từng đô thị phải xây dựng kế hoạch duy tu bảo dưỡng mạng lưới thoát nước và thường xuyên nạo vét, khai thông hệ thống các kênh tiêu nước chính đô thị. Tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tại các đô thị; ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án cấp bách nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu dân cư tập trung có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Lồng ghép các nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn của Trung ương, của tỉnh theo từng giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Tuân thủ hành lang bảo vệ các tuyến tiêu thoát nước chính của đô thị và ban hành Quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng tại các đô thị trên địa bàn thành phố Tây Ninh và huyện Hòa Thành.

UBND tỉnh cũng đề nghị thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức người dân bảo vệ không lấn chiếm hành lang sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng; không xả rác xuống cống, hố ga gây tắc nghẽn mạng lưới thoát nước. Tuyên truyền, vận động người dân xung quanh kênh rạch ủng hộ, đồng thuận việc giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án hạ tầng chống ngập úng đô thị.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục