Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Thứ sáu: 23:56 ngày 31/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối cung cầu hàng hoá, các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại hàng Việt Nam.

Đoàn công tác của Sở Công Thương khảo sát chương trình bình ổn thị trường tại siêu thị Co.opMart Trảng Bàng.

Quá trình triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành chú trọng thực hiện thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất, chế biến, phân phối, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng. 

Đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp

Ngày 24.3.2023, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Công Thương thống nhất xây dựng Chương trình phối hợp đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Thông qua chương trình phối hợp góp phần vận động nhân dân đấu tranh, tố giác các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại... Qua đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; phối hợp đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, khơi dậy tinh thần của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức, cơ quan nhằm góp phần phục hồi kinh tế, thích ứng với kiểm soát linh hoạt, an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.

Để thực hiện được những yêu cầu trên, Chương trình phối hợp đề ra các nội dung: triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá theo phương thức truyền thống và hiện đại, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử; triển khai đồng bộ, linh hoạt các hoạt động kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, các điểm bán hàng Việt Nam.

Phối hợp triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam chất lượng đến với người tiêu dùng; tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam, tuyên truyền giới thiệu các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.

Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động phải được đồng bộ, thống nhất và sâu rộng trong toàn tỉnh với hành động cụ thể, hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giúp người dân có cơ hội tiếp xúc với hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý.

Các hoạt động thực hiện Cuộc vận động năm 2023 phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, tránh hình thức; thu hút sự quan tâm, tham gia của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Theo đó, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Cuộc vận động trên các website của đơn vị, trang fanpage nội bộ, Bản tin công tác Mặt trận.

Người dân mua sắm tại điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn huyện Châu Thành.

Thông tin, giới thiệu về các doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy đến với người tiêu dùng; vận động, kết nối, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản cho các địa phương, tham gia các hoạt động bình ổn giá cả thị trường góp phần ổn định thị trường, an sinh xã hội. Đồng thời, phối hợp với tổ chức thành viên và các ngành có liên quan tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân trong đấu tranh tố giác hàng giả, hàng kém chất lượng.

Sở Công Thương có trách nhiệm triển khai có hiệu quả chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025, trọng tâm phát triển thị trường trong nước nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thị trường với các tỉnh trong khu vực và trên toàn quốc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, phân phối và tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm Việt Nam, sản phẩm của tỉnh, thương mại điện tử xuyên biên giới trong các hoạt động mua sắm sản phẩm hàng Việt Nam trong và ngoài tỉnh.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động

Để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Ban Chỉ đạo đề ra các nội dung cụ thể nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới.

Cụ thể tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong mua sắm, sử dụng hàng Việt và đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ban Chỉ đạo cuộc vận động đề nghị các thành viên tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường phù hợp, gắn kết với việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động, ưu tiên đưa hàng Việt Nam vào hệ thống các điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt Nam; thiết lập các điểm bán hàng Việt Nam bền vững, đặc biệt tại khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối cung cầu hàng hoá, các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại hàng Việt Nam. Hỗ trợ đưa sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, các điểm bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Chỉ đạo, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng trong tỉnh; hàng Việt Nam chất lượng cao- nhất là các mặt hàng sản xuất trong tỉnh- hạn chế về mẫu mã, chủng loại, giá thành còn cao, chưa đến được với người tiêu dùng tại các vùng nông thôn, biên giới.

Ngoài ra, tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn xuất hiện nhiều trên thị trường làm hạn chế hiệu quả của công tác vận động.

Do đó, Ban Chỉ đạo kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ các nhà phân phối mở rộng điểm bán hàng về các xã vùng sâu, biên giới; tạo môi trường pháp lý thông thoáng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh như: hỗ trợ nguồn vốn, lãi suất, chính sách về thuế, mở rộng thị trường, hệ thống phân phối…

Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống buôn lậu hàng hoá qua biên giới; kiên quyết xử lý nghiêm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng giả, kém chất lượng, hàng độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Nhi Trần

Từ khóa:
Tin liên quan