Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Để chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh vừa đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong mùa mưa bão năm 2023.
Cơ quan chức năng hỗ trợ người dân di dời gia súc, tài sản do nước ngập cục bộ xảy ra tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu mùa mưa bão năm 2022.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; quản lý an toàn đập, hồ chứa nước…
Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn công trình thuỷ lợi, đặc biệt là hồ chứa nước (hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La); tăng cường quản lý cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thuỷ lợi, hồ chứa nước, hệ thống kênh tiêu thoát nước, triển khai kịp thời dự án lồng ghép các công trình, dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa công trình đảm bảo cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa bão;
Thực hiện dự án bố trí dân cư tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch số 971/KH-UBND; lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực; chủ động kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác PCTT gắn với thực hiện tiêu chí 3.2 “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về PCTT tại chỗ” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp chủ động chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo kế hoạch, phương án được duyệt để tham gia ứng phó, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra; diễn tập, tập huấn, huấn luyện kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tăng cường công tác thông tin, truyền thông; tiếp tục thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2023. Theo đó tăng cường công tác tập huấn, in tờ bướm để thông tin tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai (ngập lụt, lốc, sét) cho đối tượng thực hiện nhiệm vụ PCTT, học sinh trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thuỷ văn, tham mưu chỉ đạo ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn. Thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tổ chức, công dân thực hiện nghĩa vụ đóng góp Quỹ PCTT; quản lý, sử dụng Quỹ PCTT có hiệu quả, đúng theo quy định.
Cơ quan chức năng hỗ trợ người dân di dời gia súc, tài sản do nước ngập cục bộ xảy ra tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu mùa mưa bão năm 2022.
Trong năm 2022, tỉnh đã tích cực chủ động trong công tác PCTT và TKCN như công tác PCTT được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời ngay từ đầu năm, từ giai đoạn chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó, tổ chức khắc phục hậu quả, đã hạn chế thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và người dân.
Tuy nhiên trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 106 vụ thiên tai (mưa lớn, lốc, sét) gây thiệt hại đến dân sinh, kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể: 1 người bị thương; 836 căn nhà bị ngập, sập và tốc mái (682 căn nhà bị ngập nước, 154 căn nhà bị sập, tốc mái, hư hại); 12.399 ha cây trồng bị ảnh hưởng và một số thiệt hại khác, tổng giá trị thiệt hại: 56,38 tỷ đồng; so với năm 2021 giảm: 70 vụ thiên tai, 8 người bị thương; tăng: 30 căn nhà bị ngập nước, hư hại và 9.831 ha cây trồng bị ảnh hưởng, giá trị thiệt hại tăng 8,20 tỷ đồng.
Theo nhận định của UBND tỉnh, số vụ thiên tai trong năm 2022 có giảm so với năm 2021, tuy nhiên mức độ thiệt hại và phạm vi ảnh hưởng của các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nhân dân.
Năm 2022, công tác khắc phục hậu quả thiên tai được cả hệ thống chính trị vào cuộc quan tâm vào cuộc kịp thời nhằm chia sẻ những thiệt hại mà thiên tai gây ra cho người dân. Theo đó, công tác hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất nông nghiệp được chính quyền địa phương quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời với kinh phí 15,86 tỷ đồng.
Trong đó hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp từ nguồn Quỹ PCTT tỉnh 15,80 tỷ đồng/8.201 ha/5.070 hộ/40 xã/6 huyện, thị xã; ngân sách cấp huyện, cấp xã 0,55 tỷ đồng/53 hộ để hỗ trợ về nhà ở; huy động lực lượng 133 người giúp các hộ gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Tấn Hưng