Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tiếp tục nghiên cứu giải pháp chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thứ ba: 23:21 ngày 20/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chiều 19.12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu trên toàn quốc, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và các thứ trưởng chủ trì.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bảo đảm tuyệt đối an toàn an ninh tài chính quốc gia, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng thu bền vững.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Theo Bộ Tài chính, năm 2022, bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” và tình hình thực tiễn, toàn ngành Tài chính đã chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, tổ chức triển khai quyết liệt để hoàn thành tốt các nhiệm vụ tài chính - NSNN đã đề ra, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.

Tính đến ngày 15.12.2022, thu NSNN đạt 1.691,8 ngàn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 ngàn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.

Trong thực hiện nhiêm vụ chi, ngành chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với việc tổ chức thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo các văn bản đã ban hành từ cuối năm 2021, có hiệu lực thi hành trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khoá nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể kể đến như Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28.1.2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28.5.2022 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022...

Riêng ở Tây Ninh, theo Cục Thuế tỉnh, ước thực hiện thu NSNN năm 2022 là 10.350 tỷ đồng, so với dự toán Bộ Tài chính giao đạt 127,27%; so với thực hiện năm 2021 tăng 16,56%. Tổng thu không kể xổ số kiến thiết, tiền sử dụng đất là 7.525 tỷ đồng, so với dự toán Bộ Tài chính giao (6.964,612 tỷ đồng), đạt 123,73%; so với thực hiện năm 2021 tăng 8,05%.

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đóng vai trò thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển của ngành, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm; với kết quả Chỉ số cải cách hành chính đạt 91,9/100 điểm và đây là năm thứ 8 liên tục (từ năm 2014-2021) Bộ Tài chính luôn nằm trong top 3 đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Mặc dù tổng thể thu NSNN vượt so với dự toán, song chủ yếu số tăng thu là từ tiền sử dụng đất, thu dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu, nên không ổn định, bền vững. Thu từ hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước nhiều năm không đạt dự toán; nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Đó là do hoạt động kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào tăng cao, một số ngành hàng, thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ thuế. Vẫn còn một số vướng mắc trong việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất của các địa phương đối với doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá, định giá tài sản; đồng thời, trong triển khai ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chậm triển khai công tác cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Riêng ở Tây Ninh, theo Cục Thuế tỉnh, ước thực hiện thu NSNN năm 2022 là 10.350 tỷ đồng, so với dự toán Bộ Tài chính giao đạt 127,27%; so với thực hiện năm 2021 tăng 16,56%. Tổng thu không kể xổ số kiến thiết, tiền sử dụng đất là 7.525 tỷ đồng, so với dự toán Bộ Tài chính giao (6.964,612 tỷ đồng) đạt 123,73%; so với thực hiện năm 2021 tăng 8,05%. Tuy nhiên, có 3 khoản thu không hoàn thành dự toán, bao gồm: thuế bảo vệ môi trường; thu tiền thuê đất và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính 5 năm 2021-2025 và cơ bản phải hoàn thành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5%; kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4,5%. Dự toán thu NSNN là 1.620,7 ngàn tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 82,3%; thu dầu thô chiếm 2,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 14,7%.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trước những khó khăn thách thức, năm 2022, nước ta vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng trên 8%; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bảo đảm đủ năng lượng cho sản xuất và đời sống với giá cả phải chăng; đời sống nhân dân được cải thiện.

Trong thành tích chung đó, có những đóng góp quan trọng của ngành Tài chính, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành trong năm 2022.

Xác định những khó khăn, thách thức trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính cần chủ động, tích cực bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động đưa ra chính sách phù hợp, thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả”, tạo ra nguồn lực từ tư duy, động lực từ sự đổi mới, sức mạnh là từ nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh những mục tiêu chính mà toàn ngành cần quan tâm tập trung thực hiện trong năm 2023, đó là bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh tài chính quốc gia, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó có cân đối thu chi, phấn đấu bội thu, giảm bội chi; tăng chi cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; cơ cấu lại chi tiêu cho phù hợp, tập trung cho các ưu tiên, các đột phá chiến lược, các động lực tăng trưởng; kiểm soát ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu trong dịp tết để bảo đảm an sinh xã hội, ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân; góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững; tiếp tục nghiên cứu giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, năm nay tình hình khó khăn cần tiếp tục giảm…

Nhân hội nghị, có 4 cá nhân vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và 5 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

C.T

Tin cùng chuyên mục