Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh đều là những sản phẩm chủ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh, góp phần quan trọng giải quyết việc làm nông thôn, phát triển kinh tế các địa phương, nâng cao mức sống cho người nông dân.

Lũy kế đến ngày 14.3.2025, trên địa bàn tỉnh có 139 sản phẩm OCOP gồm 96 sản phẩm 3 sao, 42 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao.

Trong năm 2025, tỉnh tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm chủ lực có thế mạnh tham gia chương trình; duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP đã được công nhận; tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP các cấp; thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.
Với mục tiêu, phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có thêm từ 20-25 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao trở lên trên địa bàn tỉnh là 150 sản phẩm, trong đó, có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, trình Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...)

Để đạt được mục tiêu đề ra, đối với những sản phẩm hiện có, tỉnh căn cứ theo mức độ hoàn thiện của các sản phẩm để có giải pháp tư vấn, hỗ trợ cải tiến, nâng cấp sản phẩm phù hợp với Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và điều kiện của cơ sở sản xuất.

Đối với những sản phẩm từ ý tưởng mới, UBND xã, cơ quan thường trực chương trình cấp huyện chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn các cơ sở sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP.
Đối với các sản phẩm OCOP đề nghị nâng hạng sao, tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc; liên kết chuỗi; phát triển thương hiệu; xúc tiến thương mại; lựa chọn các sản phẩm tiềm năng để hoàn hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, nâng hạng sao sản phẩm OCOP theo chu trình.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hoá cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hoá quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hoá sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, hướng đến kết nối liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu chương trình OCOP.
Phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, nhất là các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.
Nhi Trần