Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 5.4, đoàn công tác của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ do ông Đinh Quang Tiến- Vụ trưởng Vụ Cao Đài làm trưởng đoàn có buổi làm việc với sở Nội vụ về việc triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp đoàn có hai phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Hữu Ngân và Trần Minh Nay.
Ông Trần Minh Nay - Phó Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu tại buổi làm việc.
Sở Nội vụ báo cáo cho biết, Tây Ninh có 5 tôn giáo chính, gồm Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo Islam, với 821.864 người, 2.045 chức sắc, 8445 chức việc, 311 nhà tu lành, 808.396 tín đồ, khoảng 361 cơ sở thờ tự các tôn giáo. Ngoài ra, còn có các tín đồ thuộc tôn giáo Baha’i, Phật giáo Hòa hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội. Toàn tỉnh có 132 cơ sở tín ngưỡng dân gian, trong đó có 38 cơ sở tín ngưỡng được công nhận là di tích lịch sử. Ngoài ra, Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số với tổng 19.648 người.
Từ năm 2018 - 2020, tình hình hoạt động của các tôn giáo trong tỉnh diễn biến bình thường, tuân thủ pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, đời sống đồng bào các tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực. Các giá trị văn hóa, đạo đức, lễ hội truyền thống tốt đẹp của các tôn giáo, dân tộc được giữ gìn, phát huy. Các lễ hội, nghi lễ, hoạt động tôn giáo được tổ chức trang trọng, đúng nội dung, chương trình thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm và hướng dẫn của chính quyền các cấp.
Ông Đinh Quang Tiến - Vụ trưởng Vụ Cao Đài phát biểu tại buổi làm việc.
Từ năm 2018 - 2020, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ xây dựng nhiều kế hoạch phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, ngành chức năng liên quan và UBND, Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 48 lớp tập huấn, triển khai và tuyên truyền phổ biến Luật, Nghị định 162 và một số văn bản pháp luật có liên quan cho hơn 6.000 lượt người tham dự.
Sở Nội vụ chỉ đạo Ban Tôn giáo - Dân tộc kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ). Công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng cơ bản thuận lợi, các nghi lễ tín ngưỡng văn hóa dân gian định kỳ diễn ra bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, chấp nhận 11 trường hợp liên quan đến các hoạt động tôn giáo như chia tách, thành lập, đổi tên tổ chức tôn giáo trực thuộc…; xem xét, giải quyết theo thẩm quyền tổng cộng 210 trường hợp cụ thể liên quan nhu cầu tổ chức, hoạt động của các tôn giáo.
Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 386 cơ sở nhà, đất liên quan tôn giáo với tổng diện tích 418ha. Trong đó, có 294 cơ sở đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo khoảng 307,56 ha. Từ năm 2018 - 2020, Sở Nội vụ có ý kiến bằng văn bản chuyển các ngành chức năng có liên quan xem xét giải quyết tổng cộng 63 trường hợp liên quan đến đất đai, xây dựng của các tôn giáo.
Đại tá Nguyễn Hiệp Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Các cá nhân, tổ chức tôn giáo tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện, xã hội tại địa phương. Để động viên, khuyến khích, ghi nhận những đóng góp của các tôn giáo vào công tác an sinh xã hội ở địa phương, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 75 tập thể, 17 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ thiện, xã hội, lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 trong đồng bào các tôn giáo trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Quang Tiến- Vụ trưởng Vụ Cao đài đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong việc triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Những ý kiến, kiến nghị của các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố liên quan triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ được Vụ trưởng Vụ Cao đài ghi nhận và giải đáp ngay tại buổi làm việc.
Phương Thảo - Thiên Di