Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 619/QÐ-TTg, ngày 8.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó, từng bước thúc đẩy, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, để người dân tiếp cận pháp luật.
Người dân tìm hiểu các thủ tục hành chính tại phòng một cửa UBND xã Thái Bình.
NHIỆM VỤ CỦA TOÀN HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Theo Quyết định số 619/QÐ-TTg, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Kết quả việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá kết quả công tác thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã.
Lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, để đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cấp xã phải thực hiện 5 tiêu chí theo Quyết định số 619 gồm: bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND cấp xã; phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ cơ sở.
UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo 5 tiêu chí thành phần với 25 chỉ tiêu. Ðể đạt được, cấp xã không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa. Bên cạnh đó, cấp xã phải có kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa. Trong năm, không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên... Căn cứ vào các tiêu chí nêu trên, ngành chức năng đánh giá, trong năm 2017, toàn tỉnh có 76/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Từ đầu năm 2018 đến nay, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được cơ quan chức năng triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp. Sở Tư pháp triển khai các văn bản pháp luật mới, gắn liền với cuộc sống, với công việc chuyên môn của cán bộ, công chức ở cơ sở như: tổ chức 5 cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật hình sự; biên soạn, in ấn và phát hành 9 loại tờ gấp Hỏi - đáp pháp luật với số lượng khoảng 90.000 tờ; tuyên truyền 36 bài viết và 36 khẩu hiệu trên hệ thống thông tin cơ sở; tổ chức 8 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã xây dựng nông thôn mới; tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật.
THIẾT THỰC GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Chuẩn “tiếp cận pháp luật” nằm trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (tiêu chí 18.5). Việc bổ sung “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đã khẳng định vị trí, vai trò của nhiệm vụ này nói riêng và pháp luật nói chung trong việc xây dựng nông thôn mới.
Ðề cập đến vấn đề đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, lãnh đạo UBND xã Thái Bình, huyện Châu Thành- xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2017, cho biết: việc cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đang là yêu cầu bức thiết để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, quản lý điều hành theo pháp luật và phát huy quyền làm chủ của người dân. Hiện nay, tại xã Thái Bình, hầu hết thủ tục, hồ sơ của người dân đều được giải quyết trước và đúng thời gian quy định, không có hồ sơ tồn. Trong thực hiện quy chế dân chủ, mọi công việc, kế hoạch của xã được công khai, căn cứ theo đó, chính quyền địa phương phát động các phong trào thi đua để cán bộ, nhân dân thực hiện.
Việc thực hiện tiêu chí 18.5 về xây dựng NTM đã giúp cho xã Thái Bình kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn phát sinh tranh chấp, hạn chế đơn thư, kiến nghị trên địa bàn. Ðẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, khai thác tủ sách pháp luật, thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật thông qua công tác hoà giải cơ sở. Kết quả trong năm 2018, xã Thái Bình đã tiếp nhận và hoà giải thành công 26/27 vụ.
“Chính quyền địa phương rất quan tâm, thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Người dân ngày càng hiểu luật, ý thức chấp hành được nâng cao. Cán bộ xã có thái độ lịch sử, giải quyết hồ sơ đúng hẹn!” - ông Hải, một công dân xã Thái Bình chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, vẫn còn một số địa phương chưa được công nhận. Trao đổi về vấn đề này, đại diện UBND xã Long Khánh (huyện Bến Cầu) cho hay, trong năm 2017, kết quả thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật của địa phương hầu hết đều đạt theo quy định. Thế nhưng do địa phương còn vướng phải 1 điều kiện trong quy định nên chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong năm 2018, UBND xã đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo từng tiêu chí để có thể đạt chuẩn, hoàn thành hơn 80% kế hoạch đề ra.
Tại hội nghị tập huấn về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 cho các đại biểu ở Châu Thành và TP. Tây Ninh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lý Hoàng Vũ nhận định: việc xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là công tác mới. Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện theo Quyết định số 619 của Thủ tướng Chính phủ nên hầu hết địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng.
Tuy nhiên, hiện nay cấp huyện, xã gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện do một số quy định còn bất cập của pháp luật. Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, tại khoản 2 Ðiều 6 Quyết định số 619 của Thủ tướng Chính phủ quy định thẩm quyền xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là của Chủ tịch UBND cấp huyện; và Ðiều 6 Thông tư số 07 của Bộ Tư pháp quy định sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong khi đó, Ðiều 10 Quyết định số 2540 của Thủ tướng Chính phủ lại quy định sở, ngành tỉnh phụ trách nông thôn mới có trách nhiệm giúp UBND tỉnh thẩm định mức độ đạt từng tiêu chí. Vì thế, khi đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đã căn cứ vào quy định này không công nhận kết quả đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Bên cạnh đó, số lượng đối tượng đánh giá sự hài lòng hằng năm của mỗi đơn vị cấp xã tối thiểu phải đạt từ 15% số lượt thủ tục hành chính đã giải quyết và trả kết quả của năm trước liền kề năm đánh giá là rất lớn. Số biên chế công chức ở cấp xã ít, khối lượng công việc nhiều nên không đủ nhân lực và thời gian để tổ chức đánh giá. Với số lượng đối tượng tham gia lớn, cấp xã không có kinh phí trang bị văn phòng phẩm để thực hiện đánh giá.
Bà Cẩm Tú, ngụ huyện Châu Thành bày tỏ: “Thời gian qua, chính quyền địa phương thường tổ chức hội nghị, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nên nhận thức của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, một hạn chế cần khắc phục là hầu hết các cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật gần như rập khuôn, hình thức, chủ đề rộng, khó hiểu; trong khi những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh lại ít được chú trọng, nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao”.
Ðể tiếp tục xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, sắp tới, Sở Tư pháp tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước một cách sâu rộng đến cán bộ và nhân dân, tập trung về cơ sở; kịp thời triển khai các luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019 và luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV để người dân hiểu và thực hiện đúng.
PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI