Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cách đây hơn 1 năm, Báo Tây Ninh từng có bài viết xung quanh vấn đề bố trí chỗ kinh doanh cho các tiểu thương chợ Long Hải (xã Trường Tây, huyện Hoà Thành) xảy ra nhiều bất cập, khiến cho nhiều tiểu thương bức xúc, khiếu nại.
Sau khi Báo phản ánh, chính quyền huyện Hòa Thành đã vào cuộc chỉ đạo xã Trường Tây chấn chỉnh để đưa chợ Long Hải vào hoạt động ổn định. Thế nhưng mới đây, 12 tiểu thương đang kinh doanh mặt hàng hàng bông tại chợ Long Hải lại tiếp tục có đơn gửi đến Báo Tây Ninh phản ánh về việc UBND xã Trường Tây bố trí nơi kinh doanh cho các tiểu thương này không hợp lý.
Hàng bông bán xen hàng quần áo
Theo 12 tiểu thương thuộc ngành hàng bông đang bán ngoài trời (phía trước vị trí Ban quản lý chợ Long Hải) cho biết, họ là những tiểu thương có thâm niên buôn bán tại chợ, nhiều người đã buôn bán trên 10 năm. Khi UBND xã Trường Tây thực hiện di dời các tiểu thương từ chợ tạm sang khu vực chợ mới được nâng cấp, họ được bình xét bốc thăm đợt sau cùng để bố trí sạp tại khu ngành hàng bông nhưng địa điểm này đã hết sạp. Xã cũng có đề xuất phương án bố trí xen vào lối đi các sạp ở khu vực hàng bông, nhưng các tiểu thương tại đây phản ứng vì bố trí như vậy chật hẹp, bất tiện cho việc buôn bán.
12 tiểu thương buộc phải di dời.
Cuối cùng nhóm 12 tiểu thương này được xã sắp xếp cho buôn bán ngoài trời với lời hứa hẹn là được bán tại đây lâu dài, ổn định, không di dời. Nhưng mới đây, UBND xã lại thông báo yêu cầu các tiểu thương phải di dời vào bên trong sạp tại khu C, nơi hiện có nhiều sạp buôn bán quần áo. Bà Huỳnh Thị Minh Hiếu, một trong 12 tiểu thương hàng bông này chia sẻ: “Sắp xếp, bố trí như vậy là không hợp lý, bởi rau cải, hàng bông tươi là mặt hàng cần nước, lại buôn bán xen vào các sạp quần áo gây khó khăn cho việc kinh doanh của cả hai ngành hàng”.
Trước phản ứng của các tiểu thương, UBND xã có mời 2 người đại diện 12 tiểu thương vào xã tiếp chuyện. Theo ông Huỳnh Quốc Chiến, một trong những tiểu thương tham gia buổi họp này, thì “cách tiếp dân của lãnh đạo xã là không hợp tình, hợp lý khi yêu cầu người dân phải tắt điện thoại di động, không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong buổi tiếp, nhưng chúng tôi vẫn tuân thủ vì mong muốn giữ được chỗ buôn bán quen thuộc”.
Ông Chiến cho biết, tại buổi tiếp, ông Nguyễn Hữu Vinh- Chủ tịch UBND xã Trường Tây khẳng định, sẽ xin ý kiến cấp huyện, để tạo điều kiện cho các tiểu thương ổn định buôn bán qua Tết, rồi sẽ có phương án tính tiếp. Cũng theo lời các tiểu thương, trước đó, xã cũng đã mời các tiểu thương vào họp, cụ thể có 10 tiểu thương tham dự, vắng 2 tiểu thương.
Khu vực mà các tiểu thương cho rằng có người “vô tư” dựng dù, sạp buôn bán và kiến nghị làm rõ.
Tại buổi họp ấy, xã thông báo về việc di dời nhưng các tiểu thương không đồng ý. Bà con tiểu thương khẳng định, tại buổi họp này, các tiểu thương có “ký tên tham dự cuộc họp”, chứ không hề “ký tên xác nhận đồng ý di dời”. Trong khi đó, ông Huỳnh Quốc Chiến cho biết: “Khi chúng tôi phản ánh lên huyện, Bộ phận tiếp dân của huyện lại thông báo rằng 10/12 tiểu thương đã ký tên đồng ý di dời. Như vậy thông tin của Bộ phận tiếp dân là không chính xác và có sự mâu thuẫn về ý kiến giữa cấp quản lý và người dân. Tiểu thương chúng tôi chưa hề đồng tình với phương án di dời của xã”.
Sự việc chưa ngã ngũ, thì vào ngày 15 và 24.1, xã đã cho xe và dân quân đến “xúc” hàng hóa tiểu thương với lý do lấn chiếm lòng lề đường.
Cần có sự công bằng
Một tiểu thương bức xúc cho biết: “Tại khu vực này còn có hàng chục tiểu thương buôn bán theo kiểu hàng rong, chạy chợ thì lại không thấy ai giải tỏa, mà chỉ di dời nhóm 12 tiểu thương chúng tôi. Như vậy là không đúng và có gì đó rất bất thường. Chính chúng tôi là tiểu thương lâu năm và đã được xã chính thức bố trí, cho phép ngồi tại đây cả năm rồi”.
Khu vực mới theo kế hoạch sẽ bố trí bán mặt hàng hàng bông mà các tiểu thương phản ánh là không phù hợp.
Người này nói tiếp: “UBND xã cho rằng chúng tôi lấn chiếm lòng lề đường nên phải giải tỏa, di dời mặc dù chúng tôi ngồi trong khuôn viên chợ, tại vị trí đã được chính lãnh đạo xã cho người đo đạc, sắp xếp thì sao gọi là lấn chiếm được?! Trong khi nhiều người bán hàng rong thực sự lấn chiếm đường, hay tiểu thương đã bỏ sạp, tự dựng dù buôn bán tại đây thì lại không thấy xã cho người dọn dẹp”. Nhiều tiểu thương chợ Long Hải nhận xét, nhìn chung việc sắp xếp các gian hàng theo ngành hàng tại chợ Long Hải vẫn còn chưa bài bản, trật tự, khoa học. Chẳng hạn như chỗ bán tạp hóa “lọt xọt” vô chỗ bán quần áo; chỗ bán bông, trái cây thì lại chen vô một sạp đồ ăn.
Qua phản ánh của các tiểu thương về tình trạng hàng rong lấn chiếm lòng đường, tiểu thương tự dựng sạp bán trên lối đi một cách tùy tiện, bát nháo, phóng viên có đến khảo sát thực tế chợ Long Hải vào sáng 25.1 và ghi nhận tình trạng nêu trên vẫn còn xảy ra tại chợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một phần nguyên nhân là do các tiểu thương tự sang nhượng sạp cho người khác, một phần là do thói quen buôn bán tự phát, thích ngồi bên ngoài cho dễ bán. Nhiều chỗ đã phân lô theo ngành hàng, nhưng khi hoạt động buôn bán thì “không ai ghé vào”, nên phải bỏ trống như một số vị trí tại khu vực bán bông và trái cây. Từ đó khiến cho một vài tiểu thương có sạp vẫn không ngồi bán mà chạy ra ngoài, đem hàng, dựng dù buôn bán ở cả khu vực lối đi trong chợ.
Chỉ cho phóng viên xem chỗ được đánh số thứ tự, bố trí cho hàng bông buôn bán nằm hút sâu phía trong, lại chen giữa 2 ki-ốt, chị Nguyễn Thị Nhung bày tỏ lo lắng: “Bố trí như vầy thì làm sao chúng tôi buôn bán được, không ai lại đi vào tận chỗ này để mua đồ hàng bông hết”. Chị Nhung nêu ý kiến, nếu sắp xếp chúng tôi phải dọn vào bên trong thì tất cả các sạp đang buôn bán theo kiểu dựng dù cũng phài vô hết, đồng thời phải dọn dẹp, giải tỏa hết hàng rong và phải quy hoạch, bố trí lại ngành hàng cho hợp lý. “Nếu đã vô trong thì phải đưa vô hết, chứ sao lại chỉ chăm chăm đưa 12 hộ này vào trong thôi”- chị Nhung nói.
Hàng rong vẫn tràn lan ở chợ Long Hải.
Các tiểu thương đang khiếu nại cho rằng, lãnh đạo xã chưa thực sự quan tâm, lắng nghe ý kiến dân và đưa ra giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề bức xúc. Có tiểu thương (yêu cầu giấu tên) còn cho biết, tại đây hiện có một số đối tượng “vô tư” chiếm vỉa hè để cho thuê, mỗi tháng thu về bạc triệu mà không thấy ai xử lý. Tiểu thương bày tỏ mong muốn các cấp trên tiến hành điều tra làm rõ để tránh bức xúc trong nhân dân.
Sẽ giải quyết đúng quy định pháp luật
Trao đổi với ông Đoàn Văn Liên- Phó Chủ tịch UBND xã Trường Tây về vấn đề phản ánh của các tiểu thương, ông cho phóng viên biết, việc di dời các tiểu thương trên nằm trong kế hoạch chấn chỉnh tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường tại chợ Long Hải. Qua Tết Nguyên đán 2019, UBND xã sẽ quyết liệt xử lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường xảy ra tại chợ Long Hải.
Về phía chính quyền cấp trên, ông Nguyễn Nam Hưng- Chủ tịch UBND huyện Hòa Thảnh cho biết, UBND huyện đã nắm được vụ việc trên và đang chỉ đạo UBND xã Trường Tây phải xử lý, giải quyết đúng quy định pháp luật.
Báo Tây Ninh sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.
Hòa Khang - Thiên Tâm