Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
TikTok kiểm duyệt nội dung tại Việt Nam thế nào
Thứ ba: 09:40 ngày 11/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
TikTok kết hợp giữa thuật toán và đội ngũ hàng trăm người Việt để duyệt nội dung, nhưng thực tế video độc hại vẫn tràn lan trên nền tảng.

Trong cuộc họp ngày 6/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liệt kê sáu vi phạm của TikTok cũng như những trào lưu độc hại , tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới cộng đồng trên nền tảng. Trả lời VnExpress , đại diện TikTok Việt Nam cho biết việc gỡ bỏ video vi phạm được đánh giá dựa trên sự kết hợp của các yếu tố: chính sách, công nghệ và đội ngũ kiểm duyệt.

Nền tảng đã thiết lập Tiêu chuẩn Cộng đồng với bộ quy tắc nhằm khuyến khích người dùng sáng tạo các nội dung phù hợp. Bên cạnh đó, TikTok áp công nghệ duyệt nội dung tự động. Theo đại diện nền tảng, video đăng lên đều được xem xét bởi công cụ nhằm xác định nội dung có vi phạm tiêu chuẩn hay không, dựa trên nhiều tiêu chí như từ khóa, hình ảnh, tiêu đề, mô tả và âm thanh.

Tuy nhiên, không ít người có thể sử dụng thủ thuật để tránh né quy định của nền tảng. Do đó, TikTok Việt Nam phối hợp giữa đội ngũ kiểm duyệt và thuật toán phát hiện nội dung để bổ trợ cho những hạn chế công nghệ, đặc biệt là yếu tố ngoại cảnh và sắc thái trong video.

“Chúng tôi có đội ngũ người Việt với số lượng lên tới vài trăm, làm việc 24/7 để liên tục kiểm duyệt nội dung”, đại diện TikTok nói. “Nền tảng cũng sẽ bổ sung các khóa đào tạo cho đội ngũ kiểm duyệt để tăng tính hiệu quả khi thực thi quy tắc và tiêu chuẩn mới trong thời gian tới”.

Hình ảnh nút báo cáo (gắn cờ) trên ứng dụng TikTok. Ảnh: Lưu Quý

Ngoài ra, TikTok cũng xem xét báo cáo từ cộng đồng thông qua công cụ trực tuyến. Người dùng có thể gắn cờ các nội dung, tài khoản được cho là không phù hợp. “Báo cáo từ người dùng đóng vai trò rất quan trọng. Phần lớn nội dung vi phạm đã được TikTok chủ động xác định trước khi có bất kỳ lượt xem nào hoặc báo cáo từ cộng đồng”, đại diện TikTok Việt Nam cho hay.

Tại châu Âu, nơi có yêu cầu cao về kiểm duyệt thông tin, nhiều mạng xã hội lớn phải tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA). Trong đó, TikTok đã mở một trung tâm minh bạch và trách nhiệm tại Dublin, thủ đô Ireland. Theo Politico , trung tâm này có hơn 5.000 người làm việc tại 10 quốc gia như Bỉ, Pháp, Đức.

Giải pháp tương tự cũng diễn ra tại Mỹ khi TikTok thành lập Trung tâm Trách nhiệm Giải trình và Minh bạch Los Angeles, chuyên cung cấp hậu trường về các thuật toán và hoạt động kiểm duyệt trên nền tảng. Tuy vậy, TikTok không công khai toàn bộ cách họ đưa ra quyết định lọc nội dung và dữ liệu.

Kiểm duyệt nhưng chưa hiệu quả

Theo báo cáo thực thi Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok được công bố ngày 31/3, hơn 1,7 triệu video vi phạm đã bị xóa tại Việt Nam trong quý IV/2022. Trong đó, 94,9% là nền tảng chủ động xóa.

Tuy vậy, chính sách và biện pháp của TikTok được đánh giá chưa hiệu quả khi nội dung độc hại, sai lệch vẫn xuất hiện tràn lan. Trong khảo sát trên VnExpress với gần 9.500 người tham gia ngày 4/4, có 38%, tương đương gần 3.600 người, không dùng TikTok. Trong số gần 6.000 người dùng, hơn 80% phản ánh thường xuyên tiếp xúc nội dung độc hại trên nền tảng.

Những nội dung xấu, độc trên nền tảng này có thể kể đến như các video vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em. Nhiều TikToker tham gia những trào lưu “bóc phốt”, tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư của người khác để tung tin giả, bôi nhọ, xúc phạm. Ngoài ra, nhiều hình ảnh hở hang, vốn phải được gắn nhãn 18+, nhưng có thể truy cập mà không cần xác minh độ tuổi.

Trào lưu “bóc phốt” trên TikTok được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá vi phạm nhiều điều luật về quyền cá nhân. Ảnh: Minh Sơn

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, TikTok hiện vẫn chưa có biện pháp xử lý vấn đề nội dung xấu độc một cách hiệu quả. “Bộ đã nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng TikTok chưa khắc phục hiệu quả tình trạng này. Thậm chí, thuật toán TikTok còn giúp thông tin độc hại dễ dàng tạo thành thành xu hướng, lan tỏa mạnh hơn, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ”, ông Do nói.

Ông cho biết có tình trạng mạng xã hội dùng thuật toán “lách” bộ công cụ tự động rà quét của cơ quan quản lý, khiến việc phát hiện và xử lý vi phạm gặp khó khăn. “Với lượng thông tin khổng lồ sản sinh mỗi ngày trên các nền tảng như TikTok, nếu mạng xã hội đối phó, không hợp tác chủ động chặn lọc triệt để bằng thuật toán, việc gỡ nội dung vi phạm sẽ kém hiệu quả”, đại diện Cục cho hay.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thời gian tới sẽ triển khai các giải pháp để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam. Trong tháng 5, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng Cục Thuế kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, trong đó có việc đánh giá về tác động, ảnh hưởng đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục