Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tìm cơ hội khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Thứ bảy: 16:34 ngày 19/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với những quyết sách về kinh tế và phương châm chống dịch hiệu quả trong thời gian qua đã, đang và sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu - bán lẻ đối với thị trường Việt Nam.

Công nhân làm việc tại một công ty may trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu hàng hoá… có lúc bị ngưng trệ, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, những tháng đầu năm, mặt hàng khoai mì bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, do xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc. Trong tháng 3, tháng 4, sản phẩm bị tồn kho, xuất khẩu chậm.

Hiện nay, giá thu mua khoai mì tiếp tục giảm, một số cơ sở gặp khó khăn về vốn, không còn tiền đáo hạn và đóng lãi cho ngân hàng.

Đa số cơ sở phải ngưng hoạt động, còn một vài cơ sở hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, giá tinh bột khoai mì của Việt Nam cao hơn Thái Lan nên thời gian tới, khó cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc.

Do ngành kinh doanh này rủi ro cao nên một số ngân hàng siết chặt khoản cho vay, các nhà máy chế biến rất khó tiếp cận nguồn vốn.

Mặt hàng cao su cũng bị ảnh hưởng, sức mua giảm, khách hàng chậm thanh toán, kéo dài thời gian giao nhận hàng.

Giá mua bán giao dịch sụt giảm, khả năng hợp đồng bị huỷ làm ảnh hưởng đến doanh thu.

Trong khi đó, mặt hàng hạt điều đã trở lại xuất khẩu bình thường từ tháng 5.2020 nhưng giá giảm 40%, do đó các doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất và thu mua nguyên liệu.

Lĩnh vực sản xuất bánh kẹo, thực phẩm… cũng trong tình trạng tồn hàng và nguyên liệu. Do thành phẩm sản xuất và nguyên liệu có thời gian sử dụng, quá hạn phải tiêu huỷ nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế bị gián đoạn do không có đơn hàng.

Thị trường Mỹ và châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản hiện đang đóng băng, đa số các đơn hàng bị huỷ hoặc giảm sâu số lượng, doanh nghiệp chỉ sản xuất theo các đơn hàng trước đó.

Nhìn chung, các dự án hoạt động cầm chừng do nguyên liệu khan hiếm, phụ thuộc vào thị trường cung ứng chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý doanh nghiệp, sản xuất, vận hành do các chuyên gia, nhà quản lý, lao động tay nghề cao chưa được nhập cảnh.

Chuỗi cung ứng hàng hoá, nguyên liệu của doanh nghiệp, ngành dệt sợi đang bị ứ đọng do không có đầu ra.

Từ những khó khăn trên, việc ban hành các chính sách về tài khoá, tiền tệ, bảo hiểm vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, vừa tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết.

Trên địa bàn tỉnh, các địa phương luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép” với tinh thần chung là chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, đồng thời có phương án cụ thể để tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, cung cầu hàng hoá, sản phẩm thiết yếu; thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của từng huyện, thị xã, thành phố.

Từ giữa tháng 4 đến nay, hoạt động sản xuất đã được cải thiện, các nước châu Âu (EU) từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Thế giới (WB), những ngành có thể tận dụng sớm cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại là dệt may, da giày, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh.

Hiệp định EVFTA, có hiệu lực từ tháng 7.2020, được kỳ vọng tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19.

Với những quyết sách về kinh tế và phương châm chống dịch hiệu quả trong thời gian qua đã, đang và sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu - bán lẻ đối với thị trường Việt Nam.

Đây là thời cơ để Việt Nam có thể bứt ra và giảm dần sự phụ thuộc, cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước nói chung, Tây Ninh nói riêng đón bắt những làn sóng đầu tư mới, những thị trường xuất nhập khẩu mới.

Để dần phục hồi sản xuất, thúc đẩy các doanh nghiệp ổn định và phát triển, những tháng cuối năm 2020 Tây Ninh cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện nhằm thu hút và sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư, tranh thủ đón làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sau đại dịch Covid-19.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục