Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tìm cơ hội phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp
Thứ sáu: 21:56 ngày 04/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 4.1, tại Hội trường Khách sạn Vinpearl, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu khai mạc hội thảo.

Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng chuỗi giá trị một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; phân tích thuận lợi, khó khăn, khả năng phát triển của các chuỗi giá trị và cụm ngành Nông nghiệp từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Từ đó có định hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển, góp phần đưa nền nông nghiệp Tây Ninh phát triển hiệu quả, giá trị cao và bền vững.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nông nghiệp Tây Ninh đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển KT- XH của tỉnh và có những bước chuyển khá rõ nét trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu sản xuất.

Tuy nhiên, trước tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Tây Ninh sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, trong đó có việc giải quyết bài toán nâng cao giá trị gia tăng các ngành hàng để phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Chủ tọa điều hành thảo luận tại hội thảo.

Hội thảo là dịp thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra tiếng nói chung để động viên, khích lệ nông dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi các vấn đề, đó là: Đánh giá thực trạng việc sản xuất theo chuỗi giá trị các cụm ngành nông nghiệp của Tây Ninh, trong đó tập trung phân tích, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất theo chuỗi giá trị của Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung.

Đánh giá năng lực cạnh tranh, tiềm năng và định hướng của các cụm, ngành sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Những nhiệm vụ, giải pháp và định hướng mang tính khả thi đối với các bên liên quan trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các địa phương cần làm gì, hỗ trợ, định hướng, đào tạo ra sao để nông dân chủ động nắm bắt những cơ hội, đồng thời vượt qua rủi ro, thách thức trong việc sản xuất theo chuỗi giá trị.

Qua các ý kiến trao đổi, thảo luận, UBND tỉnh sẽ thống nhất lựa chọn những nội dung xác đáng kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp, nhà khoa học để có các giải pháp, cơ chế, chính sách tốt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và việc hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị nói riêng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được thông tin các nội dung về: tổng quan Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh, xác định lại vai trò của các bên liên quan; chuỗi giá trị và cụm ngành chăn nuôi, trồng trọt tỉnh; các giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; cách làm của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp ở Tây Ninh; những định hướng và thách thức trong phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp...

TS. Huỳnh Thế Du (Đại học FullBright) trình bày tổng quan Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh.

Các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều về chuỗi giá trị cây mía và định hướng sản xuất đối với cây mía; chính sách tín dụng đối với hợp tác xã; khả năng cạnh tranh và hiệu quả đáp ứng về thị trường đối với chuỗi giá trị…

Theo ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT, cần tập trung các ứng dụng khoa học công nghệ đối với cây trồng; chuyển đổi cơ cấu ngành hàng phù hợp với hệ sinh thái cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, tập trung các cơ chế chính sách cụ thể để doanh nghiệp, nông dân tiếp cận được; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển, đặc biệt là trong liên kết sản xuất để hình thành các vùng nguyên liệu. Ngành Nông nghiệp cũng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ nghiên cứu để chỉnh sửa lại Đề án trên cơ sở các góp ý tại hội thảo.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục