Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tìm đâu giáo viên dạy môn học mới ?
Thứ tư: 06:32 ngày 16/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngành Giáo dục các địa phương trong cả nước đang tổ chức cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, đóng góp ý kiến cho sách giáo khoa lớp 3 và lớp 10. Các nhà xuất bản giới thiệu sản phẩm sách giáo khoa để các địa phương, ngành Giáo dục chọn trước khi triển khai cho năm học tới. Còn khoảng 5 tháng nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018) triển khai việc thay sách ở lớp 3 và lớp 10. Một vấn đề đặt ra hiện nay là: tìm giáo viên để dạy các môn học mới, đặc biệt ở cấp THPT- khi một số môn học lần đầu xuất hiện.

Sách giáo khoa lớp 10 theo Chương trình 2018.

“Ngay từ bây giờ, các địa phương phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các điều kiện khác cho tới năm học 2024-2025, năm triển khai ở các lớp cuối cùng để có tham mưu cụ thể, tránh thấy việc tới đâu mới tham mưu tới đó”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

MỘT GIÁO VIÊN CÓ THỂ DẠY NHIỀU TRƯỜNG

Cách nay vài ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức phiên họp trực tuyến với các địa phương để chuẩn bị cho việc triển khai thay sách giáo khoa ở lớp 3 và lớp 10, năm học 2022-2023. Lãnh đạo ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố đã chỉ ra những khó khăn, thách thức khi chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, đến lượt lớp 3 và lớp 10 thay sách giáo khoa. Hầu hết các tỉnh, thành đều phản ánh tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Tiếng Anh (lớp 3) và môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) ở lớp 10. Các địa phương vùng sâu vùng xa có cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu, một số trường chưa có phòng học bộ môn; nhiều trường thiết bị dạy học không đầy đủ, không đồng bộ. Một số địa phương cho biết không có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật tham gia chọn sách giáo khoa…; có địa phương gặp khó khăn trong biên soạn tài liệu giáo dục địa phương.

Theo các địa phương, vấn đề cần ưu tiên hiện nay là biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học nhằm đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải có đủ giáo viên để bảo đảm quyền được học của học sinh”. Do đó, địa phương cần quan tâm để có đủ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3, Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị, địa phương cần có cơ chế điều tiết giáo viên dạy liên trường, xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy liên trường; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thầy cô, bảo đảm có đủ đội ngũ để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh. Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường sư phạm tổ chức đào tạo giáo viên, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Các địa phương cho biết, vấn đề cần ưu tiên hiện nay là biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học nhằm đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một số giải pháp khác được lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề cập như tuyển dụng giáo viên, hợp đồng, thỉnh giảng, biệt phái.

Về lựa chọn sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện minh bạch, khách quan, công bằng, tôn trọng ý kiến chuyên môn từ cơ sở để chọn được bộ sách phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường. UBND cấp tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm để lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26.8.2020 của Bộ GD&ĐT.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, việc lựa chọn sách giáo khoa phải bảo đảm sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy tiếng nói của người trực tiếp dạy học, đồng thời phát huy được ý nghĩa của việc có nhiều bộ sách giáo khoa thông qua việc giáo viên chọn một bộ để sử dụng nhưng có thể tham khảo nhiều sách.

Trước thực tế thiếu giáo viên được nhiều địa phương nêu ra, Bộ trưởng cho biết đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có chỉ tiêu tuyển giáo viên, rà soát các chính sách, cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho công tác tuyển dụng. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các trường sư phạm trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng đến bố trí dạy liên trường.

CÓ MÔN HỌC NHƯNG CHƯA CÓ GIÁO VIÊN

Trong một, hai ngày tới, các nhà xuất bản tiếp tục giới thiệu sách giáo khoa lớp 3 và lớp 10 để giáo viên đóng góp ý kiến, sau đó lựa chọn theo quy định (quyền quyết định sau cùng thuộc UBND cấp tỉnh). Một điều vô cùng quan trọng nhưng có vẻ chưa được chú ý, quan tâm đúng mức, đó là một số môn học (sách giáo khoa) có trong Chương trình 2018, được nhà xuất bản giới thiệu nhưng không có giáo viên.

Chiều 14.3, trao đổi với phóng viên, nhiều hiệu trưởng tại Tây Ninh cho biết, đây là câu chuyện lớn, họ cũng chỉ biết thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên chứ không thể làm gì hơn. “Theo chương trình mới, lớp 10 có một số một số môn học mới, trong đó có môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) nhưng trường chúng tôi hiện không có giáo viên nào dạy môn này. Cấp THPT, theo chương trình hiện hành không có hai môn học nêu trên, do đó, không có giáo viên. Bây giờ, nhà xuất bản giới thiệu sách, để hiểu về nội dung môn học đó, đòi hỏi phải có giáo viên đúng chuyên môn nhưng nay không có…

Tôi được biết, có trường phải cử một hoặc hai người không có liên quan đến chuyên môn về Âm nhạc, Mỹ thuật để nghe nhà xuất bản giới thiệu môn học này. Tôi cũng chỉ nghe nói, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn để nhà trường tổ chức cho học sinh chọn những môn học sao cho phù hợp, ngoài các môn học bắt buộc. Nhưng thế nào là phù hợp, vì môn học đã có trong chương trình, học sinh có quyền được chọn để học.

Nếu một bộ phận học sinh chọn môn học này, nhà trường lấy đâu ra giáo viên để dạy? Tôi cũng nghe đâu đó có giải pháp điều giáo viên cấp THCS (có bằng đại học) lên dạy môn Nghệ thuật ở cấp THPT. Nếu thực hiện, cũng không đơn giản đâu”- hiệu trưởng ở một trường THPT nêu những khó khăn đang chờ đợi phía trước.

Tương tự, một hiệu trưởng khác nói: “Chúng tôi cũng chỉ đang trong giai đoạn nghe nhà xuất bản giới thiệu sản phẩm của họ, còn giáo viên ở đâu để dạy, câu hỏi này chưa trả lời được”.

“Trường chúng tôi không có giáo viên một số môn học mới. Khi góp ý cho sách giáo khoa, chúng tôi không biết gì để đóng góp cho môn học này, vì không có chuyên môn”- một ý kiến khác.

Năm học tới, nhà trường tính giải quyết như thế nào, bố trí giáo viên ra sao nếu học sinh chọn để học? Trả lời câu hỏi này, vị hiệu trưởng cho biết, nhà trường đang bàn để tới thời điểm đó, gợi ý cho học sinh… không chọn môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật).

“Tôi nói thẳng và nói thật, tình hình triển khai sách giáo khoa mới ở lớp 10 sẽ rất khó khăn, có phần phức tạp. Không chỉ không có giáo viên môn học mới, ngay cả khi học sinh chọn hai tổ hợp môn Khoa học xã hội hay Khoa học tự nhiên đã lộn xộn.

Nếu phần lớn học sinh chọn nghiêng về một tổ hợp môn nào đó, đã xảy ra nhiều chuyện trong việc bố trí giáo viên, vì sẽ có giáo viên dạy rất nhiều tiết, có giáo viên sẽ không có hoặc có rất ít tiết để dạy. Có lẽ nhà trường sẽ lại chọn môn học thay cho học sinh”- một vị hiệu trưởng nêu ý kiến.

Trong khi đó, ở cấp tiểu học, cụ thể là lớp 3, môn Tin học và Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc nhưng giáo viên của hai môn học này cũng đang thiếu. “Ngày 15.3, nhà xuất bản giới thiệu sách giáo khoa môn Tin học lớp 3 nhưng chúng tôi không có giáo viên dạy môn này để cử đi tìm hiểu. Chỉ có trường học nào thuộc xã vùng nông thôn mới, trường tiểu học mới có phòng học dành cho môn Tin học.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là chưa có đội ngũ giáo viên để dạy môn Tin học. Chúng tôi dự định điều động một số giáo viên dạy Toán - Tin ở cấp THCS xuống dạy môn học này ở lớp 3 vào năm học tới. Nhưng đây cũng chỉ dự tính, còn phương án cụ thể chưa biết thế nào”- một vị phó trưởng phòng Giáo dục cho biết, đồng thời nói thêm: “Tôi nghĩ tìm nguồn giáo viên dạy môn Tin học, Tiếng Anh trong giai đoạn hiện nay không dễ, vì theo quy định mới, Trường cao đẳng Sư phạm gần như không đào tạo giáo viên phổ thông nữa, trong khi nếu tốt nghiệp đại học hai ngành này, sinh viên có nhiều lựa chọn khác hấp dẫn hơn”.

Câu chuyện thiếu đồng bộ trong việc triển khai Chương trình 2018 đã được đề cập nhiều lần nhưng vẫn còn không ít vấn đề đặt ra.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh