Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tìm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Thứ sáu: 20:02 ngày 10/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 10.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến chính phủ với các địa phương tìm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động dịch Covid-19.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh chủ trì hội nghị. Cùng dự có ông Nguyễn Thành Tâm-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Văn Tân- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành có liên quan.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 4 nội dung bàn thảo hôm nay rất quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Trước diễn biến và ảnh hưởng của dịch, các quốc gia có cùng hành động là ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn, dập dịch sớm nhất có thể và đưa ra các gói kích thích kinh tế.

Tại Việt Nam, để giảm thiểu tác động của dịch, Chính phủ đã sử dụng tất cả các biện pháp, từ giãn cách xã hội, nới lỏng tiền tệ tới các biện pháp quản lý hành chính. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá, phân tích để thấy được tình hình nghiêm trọng của thế giới và trong nước, qua đó tìm các biện pháp, giải pháp đủ mạnh, dễ hiểu, dễ vận dụng để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của cả nước là cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%) nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. Chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn; các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bị đình trệ; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, làm gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay, chúng ta đã có các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Chúng ta cũng có “cú đấm thép” là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh phát biểu tại điểm cầu Tây Ninh.

Phát biểu tại điểm cầu Tây Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh cho biết trong thời gian qua, Tây Ninh vừa phải chống dịch, vừa thực hiện duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Tây Ninh phát hiện 3 ca dương tính SARS-CoV2, là đối tượng phát hiện ngay tại cửa khẩu, đã khoanh vùng và xử lý triệt để, không để lây lan ra cộng đồng.

Về kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu chủ yếu cơ bản vẫn bám sát mục tiêu đề ra, trong quý I/2020, GRDP tăng; Thu ngân sách đạt trên 28% so kế hoạch năm 2020; Giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng khá; Thu hút đấu tư nước ngoài 495 triệu USD, tăng 34% so cùng kỳ; Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản Quý I đạt 21,8% kế hoạch 2020 Trung ương giao, cao hơn cùng kỳ năm 2019; đến 31/12/2019 không còn tồn đọng chi ngân sách xây dựng cơ bản.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, không ít mặt hàng nông sản không xuất khẩu được, hàng tồn kho nhiều, giá giảm sâu, nhất là tinh bột mì, là sản phẩm xuất khẩu giảm sâu; du lịch, các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, ăn uống hầu như dừng hoạt động; các trường Mầm non tư thục bị ảnh hưởng lớn: Giáo viên không có việc làm, chủ cơ sở giáo dục, đào tạo không đủ khả năng chi trả chi phí thuê mặt bằng và trả lương cho giáo viên.

Toàn tỉnh có khoảng 200.000 lao động đang làm việc trong các khu, cụm công nghiệp nhưng đến nay đã có 13.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn. Dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy kiến nghị với Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung: Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ Vương quốc Campuchia về phòng chống dịch COVID-19; ban hành văn bản thống nhất quy định, hướng dẫn để giải quyết đối với đối tượng người Việt thiếu giấy tờ hoặc không có giấy tờ từ CPC nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường bộ (đến nay chưa có văn bản); Chính phủ đề ra chính sách kịp thời, đồng bộ rất được nhân dân ủng hộ, Tây Ninh cũng mong muốn các chính sách, hướng dẫn này sớm được ban hành, áp dụng vào cuộc sống…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh,yêu cầu về giải pháp cấp bách trên các lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Thủ tướng khẳng định, dịch COVID–19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.

Do đó việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là hết sức quan trọng và cần thiết. Phải tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát…

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục