Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mới đây, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị đánh giá công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT 8 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ 4 tháng cuối năm.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đỗ Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị do ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ban Văn hoá – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Giám đốc BHXH tỉnh, Bưu điện tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tính đến 31.8, toàn tỉnh có 213.036 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 89,5% kế hoạch được giao, tăng 10.877 người so với năm 2021. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.960 người, đạt 47,7% kế hoạch giao, giảm 2.802 người so với năm 2021. Số người tham gia BHYT là 1.013.962 người, đạt 86,05% kế hoạch giao, tăng 30.874 người so với cùng kỳ, giảm 25.942 người so với năm 2021. Công tác thu BHXH, BHYT 8 tháng đầu năm được 3.084 tỷ đồng, đạt 63,6% kế hoạch năm, tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Về công tác giải quyết các chế độ dành cho người tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp, BHYT, trong 8 tháng đầu năm, cơ quan BHXH đã giải quyết cho 176.401 lượt người hưởng mới các chế độ BHXH và 757.953 lượt người khám chữa bệnh BHYT. Nguồn kinh phí chi khám, chữa bệnh BHYT luôn bảo đảm kịp thời. Cơ quan BHXH tỉnh chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất làm giám định BHYT điện tử trên Hệ thống thông tin giám định BHYT để vừa kiểm soát chặt chẽ, vừa bảo đảm chi đúng, chi đủ Quỹ BHYT; bảo đảm quyền lợi của người tham gia.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên nhưng chưa thực sự lan toả mạnh mẽ trong đời sống người dân; một số xã, phường đã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giảm tỷ lệ người dân tham gia BHYT so với chỉ tiêu đề ra (27/42 xã, phường đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao giảm chỉ tiêu BHYT).
Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT tăng trưởng chậm, nhất là BHXH tự nguyện và BHYT vẫn giảm so với thời điểm cuối năm 2021. Việc khai thác, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng. Chất lượng, khám chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu của người tham gia BHYT, các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu còn hạn chế. Số người hưởng BHXH một lần sau khi nghỉ việc tăng 4,56%...
Trước tình trạng số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT giảm đáng kể. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong yêu cầu các cơ quan, đơn vị chia sẻ những khó khăn trong công tác vận động và đóng góp các giải pháp nhằm gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT tại các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Huấn– Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, trong 4 tháng cuối năm 2022, BHXH tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch được giao. Dự kiến, cơ quan BHXH sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT các doanh nghiệp chưa tham gia và các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sau dịch Covid-19. Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách BHXH, BHYT, nhằm chuyển đổi nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về tính chia sẻ cộng đồng, truyền thống tương thân, tương ái, bản sắc văn hoá của người Việt Nam trong việc tham gia BHXH, BHYT.
Ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Chia sẻ khó khăn tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương cho rằng, vấn đề thiếu thuốc khi người dân khám, chữa bệnh bằng BHYT trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến công tác vận động người dân tham gia BHYT tại các địa phương. Công tác vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn do người dân bị ảnh hưởng kinh tế sau dịch; thời gian đóng BHXH tự nguyện từ 20 năm khiến người lao động e dè khi tham gia...
Kết luận tại hội nghị, ông Võ Đức Trong yêu cầu các địa phương, các ngành, đặc biệt là ngành BHXH triển khai quyết liệt các giải pháp do tỉnh chỉ đạo, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm 2022. Mỗi địa phương cần lập kế hoạch cụ thể để phát triển người dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình; thực hiện linh động, thay đổi phương pháp tuyên truyền, vận động BHXH, BHYT theo từng nhóm người cụ thể như tiểu thương, nông dân, công nhân, học sinh sinh viên...; Sở Y tế nhanh chóng khắc phục tình hình thiếu thuốc khám, chữa bệnh BHYT hiện nay và kịp thời thông tin đến người dân khi đã có thuốc; BHXH tỉnh cần tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT đầy đủ cho công nhân, người lao động.
Lê Thuỳ