Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tìm lại phố cảng Bao Vinh
Chủ nhật: 21:04 ngày 21/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hẹn hò mãi, cuối cùng cũng đến được Bao Vinh, khu phố cổ lẫy lừng danh tiếng thuở nào xứ Đàng Trong, ngay cạnh kinh thành Huế. Có mấy người khách còn nhớ và muốn tìm về một Bao Vinh?


Du khách và người dân trên chuyến đò xuôi ngược Bao Vinh - Ảnh: T. TRẦN

Hội An nổi tiếng. Bao Vinh cũng từng nằm cạnh một cảng thị giống Hội An, nhưng lại ít người biết tới hay còn nhớ tới.

Bao Vinh ngày trước...

Nhắc đến Đàng Trong và thời kỳ hưng thịnh của nhà Nguyễn (thế kỷ 17 - 19), lịch sử ghi nhận có hai cảng thị ngoại thương cổ lớn nhất là Hội An và Thanh Hà. Cảng thị Thanh Hà hình thành trên phần đất của làng Minh Hương và làng Địa Linh (xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế).

Cùng với Hội An, cảng thị Thanh Hà đã phát triển thành một nơi “trên bến, dưới thuyền” tấp nập, là nơi các thương nhân người Hoa và thuyền buôn từ Hong Kong, Macau, Nhật Bản, thậm chí Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan… cũng dừng chân trao đổi, mua bán hàng hóa sản vật.

Khi cảng thị Thanh Hà bị bồi lắng, sự tồn tại của phố cổ Bao Vinh như là một điểm tiếp nối. Phố cổ Bao Vinh nằm gần ngã ba, nơi sông Hương gặp sông đào Đông Ba với sông đào Cửa Hậu và giáp Thanh Hà.

Bao Vinh xưa nổi tiếng với nhiều nghề thủ công như sản xuất gạch ngói, nghề mộc, làm rèn, chạm cẩn, đóng hòm, dệt vải và làm bột.

Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ vào tay Pháp, Bao Vinh dần bị quên lãng và mai một. Cho đến khi phố chợ Đông Ba ra đời dưới thời vua Thành Thái, vị trí “cửa chợ, thương cảng” sầm uất của Bao Vinh mất hẳn.

Nhưng vẫn còn những dấu tích thời gian và văn hóa một phố cảng một thời hưng thịnh của Đàng Trong.


Một góc Bao Vinh - Ảnh: T. TRẦN

... Bao Vinh bây giờ

Theo số liệu của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khảo sát, năm 1991 Bao Vinh có 39 ngôi nhà cổ, năm 1996 còn 28 ngôi và đến năm 2014 thì còn hơn chục ngôi.

Độ chục ngôi nhà cổ của Bao Vinh thuở ấy vẫn nằm đó bên bờ sông Hương ngày chúng tôi đến, trầm mặc và lặng lẽ. Con phố nhỏ với kiến trúc quen thuộc. Có hai dãy nhà - cửa hàng nằm san sát hai bên đường.

Nhiều trong những dấu vết của một thời hưng thịnh ấy đã biến mất, thay thế bằng những căn nhà kiểu mới, có cái kiên cố, có cái tạm bợ, lộn xộn xót xa.

Phố cổ Bao Vinh còn lại hôm nay chỉ kéo dài khoảng vài trăm mét, từ cầu Bao Vinh đến cống Địa Linh.

Thi thoảng cũng thấy một vài du khách kiểu tây balô tìm tới Bao Vinh với tấm bản đồ, cổ đeo máy ảnh, ngắm nghía và tìm phố cổ Bao Vinh trong hình hài phố mới.

Cũng giống như Hội An, kiến trúc điển hình ở phố cổ Bao Vinh được tạo dựng lên từ những căn nhà rường cổ kiểu phố chợ, hai tầng, sườn gỗ, mái ngói thấp. Dãy nhà bên sông thiết kế theo kiểu nhà cổ tứ giác, hay còn gọi là nhà “bánh ú”, mặt quay ra bờ sông.

Nhà cổ phía mặt phố thường chia làm 3 gian chính, cửa ở giữa, hai bên là cửa hàng. Có nhiều ngôi nhà vẫn dùng kiểu cửa đóng mở bằng nhiều thanh gỗ ghép lại.

Tới Bao Vinh dễ cảm nhận được một thứ tình cảm bình dị, nơi cuộc sống nghèo khó vẫn thấp thoáng trong từng gian hàng gội đầu bé tí và những bát chè cháo, tào phớ của gánh hàng rong chỉ với giá 2.000 đồng.

Cuối phố cổ là Thiên Giang tự, ngôi chùa nằm đối diện với bến đò Bao Vinh hiện nay. Từ Bao Vinh, nghĩ về Hội An với nhiều tiếc nuối về khả năng bảo tồn, tu tạo và tìm hướng tạo ra một Hội An mới với nét riêng xứ Huế.

Từ Bao Vinh muốn qua bên kia sông Hương, sang Tiên Nộn, Mậu Tài hay Thanh Tiên vẫn phải qua một chuyến đò.

Chiếc thuyền nhỏ lựa dòng nước sang sông. Bên này là phố cổ Bao Vinh u hoài lặng lẽ. Bên kia có làng hoa giấy Thanh Tiên và làng Sình chuyên vẽ tranh thờ cúng. Liệu có cách nào giữ gìn, phát huy di sản của một phố thị phồn hoa cùng các làng nghề truyền thống chốn kinh kỳ?

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục