Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ở ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh), cô Lương Thị Tiểu Nga (sinh năm 1958) khá quen thuộc với hầu hết người dân trong ấp, bởi cô từng là giáo viên công tác gần 30 năm tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân. Cô về hưu năm 2013 khi đã hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên.
Cô Nga và các em học sinh trong lớp rèn chữ.
Sau khi về hưu, cô Nga đảm nhận chức vụ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Hiệp. Trong thời gian này, cô đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc chăm lo cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là chị em người dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Xuất thân từ nghề giáo, cô Nga dễ gắn kết mọi người bởi lối nói chuyện cởi mở, quan tâm và sâu sắc. Ðến năm 2016, cô nghỉ công tác Hội Phụ nữ do bệnh tim. Dù không còn đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng, cô vẫn luôn là hội viên tích cực đồng hành cùng với Chi hội Phụ nữ ấp trong tất cả các hoạt động.
Với uy tín của mình, cô cùng với Chi hội trưởng ấp Thạnh Hiệp hiện tại thường xuyên vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trên địa bàn xã cùng nhau đóng góp gây quỹ giúp đỡ hội viên, học sinh nghèo tại địa phương.
Cô Nga cho biết, từ khi về hưu, việc tham gia các công tác của Hội Phụ nữ xã nói chung và Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Hiệp nói riêng giúp cô vui vẻ, năng động hơn. Thông qua các hoạt động Hội, cô được làm quen thêm nhiều chị em để cùng sẻ chia buồn vui trong cuộc sống. Công tác Hội Phụ nữ dần gắn bó với cuộc sống của cô lúc nào không hay. Chỉ biết rằng, mỗi lần Hội cần giúp việc gì là cô sẵn sàng ngay, không quản ngại khó nhọc, đường sá xa xôi...
Năm 2016, cô Nga tiếp tục được Hội LHPN xã bầu làm Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất chăn nuôi gà của xã, vì có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gà thả vườn tại nhà. Tổ liên kết sản xuất chăn nuôi gà có 12 hội viên, mỗi hội viên đều nuôi vài chục con gà thả vườn.
Trước khi có Tổ liên kết sản xuất chăn nuôi gà, các hội viên đều chăn nuôi độc lập, ít được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà cùng nhau. Nhiều khi gà bị bệnh cũng không biết cách xử lý, gây thiệt hại ít nhiều cho người nuôi.
Từ khi có Tổ liên kết chăn nuôi gà của Hội LHPN xã, các hội viên đã có điều kiện hội họp và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cùng nhau. Từ đó nâng cao chất lượng gà nuôi, hiệu quả kinh tế bền vững hơn.
Ngoài ra, hội viên Tổ liên kết sản xuất chăn nuôi gà còn được tiếp cận với nguồn vốn xoay vòng của Hội LHPN thành phố hỗ trợ để có thêm kinh phí mua con giống, thức ăn, mở rộng thêm đàn gà...
Với kinh nghiệm tích luỹ từ nhiều năm nuôi gà thả vườn, cùng với sự tìm tòi, nghiên cứu và học tập thêm kiến thức chăn nuôi trên sách báo, internet, cô Nga dần khẳng định được vai trò cốt lõi của một Tổ trưởng Tổ liên kết. Hầu như đàn gà nhà ai có vấn đề gì đều liên hệ với cô đầu tiên để được hỗ trợ. Hiện tại, cô đang nuôi khoảng 60 con gà thả vườn.
Không chỉ vậy, cô Nga còn là Tổ trưởng Tổ tự quản số 20 của ấp nhiều năm liền. Mới đây, cô tiếp tục đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin xã Thạnh Tân. Vào dịp nghỉ hè, cô còn mở lớp rèn chữ và dạy chữ cho một số học sinh tiểu học gần nhà.
Cuộc sống lúc về hưu của cô không còn tất bật giáo án và những giờ lên lớp nhưng cũng không trở nên buồn chán vì cô luôn có công tác xã hội làm bạn đồng hành. Ở tuổi 60, cô Nga cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại và chỉ mong mình đủ sức khoẻ để tiếp tục vui với người, vui với đời.
Lê Thuỳ