Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Tây Ninh
Chủ nhật: 23:55 ngày 24/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến định cư nơi vùng đất mới, người Hoa đã mang theo văn hoá truyền thống của mình và thẩm thấu, hội nhập, tiếp nhận, giao lưu với văn hoá bản địa để từ đó tạo nên sự đặc trưng trong đời sống của người Hoa ở Tây Ninh.

Lễ Nguyên tiêu tại Thất Phủ hội quán (thị xã Trảng Bàng)

Hiện ở Tây Ninh có các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa như Thất Phủ hội quán, Nhị Phủ hội quán, Minh Nghĩa hội quán của người Minh Hương (thị xã Trảng Bàng); Thanh An cung (huyện Gò Dầu); Quan Đế Thánh miếu, Quảng Đông hội quán, Ngũ Thánh miếu (thành phố Tây Ninh).

Thất Phủ hội quán ở Trảng Bàng là ngôi miếu thờ Quan Thánh Đế Quân xưa nhất của người Hoa tại đây, được xây dựng với quy mô nhỏ từ khoảng giữa thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1828, hội quán mới được xây dựng lại với quy mô như ngày nay ở khu phố Lộc An, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng. Bên cạnh Quan Công, hội quán còn thờ Thiên Hậu thánh mẫu, Phước Đức chánh thần.

Nhị Phủ hội quán được thành lập vào Quang Tự nguyên niên (1875) ở vị trí cách địa điểm hiện nay khoảng 100m về phía Tây. Đến năm 1936, với sự đóng góp của cộng đồng Phước Kiến tại Trảng Bàng, Gò Dầu, Long Hoa (Tây Ninh) và Chợ Lớn, Nhị Phủ hội quán được dời đến vị trí như ngày nay (khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng). Đối tượng thờ tự chính tại hội quán là Quảng Trạch Tôn Vương và nhiều vị thần trong tín ngưỡng của người Hoa như Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu thánh mẫu, Phước Đức chánh thần.

Thất Phủ hội quán (thị xã Trảng Bàng).

Minh Nghĩa hội quán ở Trảng Bàng thành lập vào khoảng năm 1881, đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, hội họp của người Minh Hương, thờ Quan Thánh Đế Quân và phối thờ Kim Hoa nương nương, Bà Mụ cùng Ngũ Hành nương nương. Cả ba hội quán này đều được xây dựng ở gần nhau trong khu chợ Trảng Bàng (nay là chợ cũ Trảng Bàng) nơi có đông người Hoa sinh sống, làm ăn buôn bán nhất trong vùng.

Thanh An cung được xây dựng năm 1907, trước đây nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, thuộc địa phận huyện Gò Dầu. Được sự ủng hộ của một số kiều bào gốc Hoa ở Gò Dầu nên Thanh An cung được dời về khu phố 1, thị trấn Gò Dầu để thuận tiện cho người dân đến cúng bái. Thanh An cung là tên do người dân địa phương đặt với ngụ ý người Hoa cư ngụ tại làng Thanh Phước được bình an. Nơi đây thờ Thiên Hậu thánh mẫu, Kim Hoa thánh mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Phước Đức chánh thần và nhiều vị thần trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa.

Tại thành phố Tây Ninh, nhóm người Hoa Phước Kiến thành lập ngôi miếu thờ Quan Thánh Đế Quân vào năm 1860, toạ lạc khu phố 4, phường 2. Bên cạnh Quan Công còn có phối thờ Bà Chúa Thai Sanh và Phước Đức chánh thần.

Quảng Đông hội quán (toạ lạc khu phố 3, phường 2) do nhóm người Hoa có gốc Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam và Khách Gia (Hẹ) thành lập vào khoảng năm 1887. Lúc đầu hội quán chỉ được làm tạm bợ bằng mái tranh, tre, lá; đến năm 1905 được dựng lại bằng gỗ quý, mái lợp ngói và qua nhiều lần trùng tu lớn vào các năm 1955, 1993 có diện mạo khang trang như ngày nay. Đối tượng thờ chính tại Quảng Đông hội quán là Thiên Hậu thánh mẫu, Kim Hoa nương nương, Long Mẫu nương nương cùng các vị thần đặc trưng thường có trong các hội quán của người Hoa.

Tượng thờ Quan Thánh Đế Quân ở Ngũ Thánh miếu (thành phố Tây Ninh).

Quan Thánh Đế miếu và Quảng Đông hội quán (Thiên Hậu miếu) là hai cơ sở tín ngưỡng của người Hoa đã được công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Ngoài ra, tại khu phố 3, phường 2 còn có Ngũ Thánh miếu- cũng do cộng đồng thương nhân người Hoa tại thành phố Tây Ninh thành lập từ rất sớm, thờ năm vị (còn được gọi ngũ thánh) gồm có Quan Công, Quan Bình, Châu Xương, Vương Thiên Quân, Trương Tiễn Đại Đế và còn có thờ Thần Tài.

Đặc biệt, tại các hội quán đều có một bàn thờ trang trọng ở hậu điện thờ các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công thành lập nên hội quán, có nhiều đóng góp cho cộng đồng người Hoa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Người Hoa rất kính tin Quan Thánh Đế Quân và còn xem ông là vị thần phù hộ cho việc làm ăn, buôn bán nên thờ phụng ở tư gia. Cùng với Quan Công, hai vị Thổ Địa, Thần Tài và các vị thần độ mạng cũng được người Hoa thờ tự tại nhà, nơi làm việc. Điều này thể hiện rõ nét sự giao thoa văn hoá Việt - Hoa.

Quan Thánh Đế miếu (thành phố Tây Ninh).
Lễ Thanh minh của người Hoa Trảng Bàng.

Đặc biệt, người Hoa ở Tây Ninh cũng rất tín ngưỡng Linh Sơn Thánh Mẫu. Vào năm 1951 cộng đồng người Hoa, người Minh Hương ở Thất Phủ hội quán Trảng Bàng cúng cho Linh Sơn thánh miếu bức hoành phi có nội dung: 千秋聖母.恭賀歲次辛戼年八月吉日造,洪恩七府和安會本會仝敬拜 (Thiên thu Thánh Mẫu. Lạc khoản Cung hỷ tuế thứ Tân Mão niên bát ngoạt kiết nhựt tạo, Hồng ân Thất phủ Hoà An hội bổn hội đồng kính bái).

Cộng đồng người Hoa, các hội quán cũng đến giao lưu, cúng viếng tại các cơ sở tín ngưỡng của người Việt như miếu thờ Bà Ngũ Hành, miếu thờ Bà Chúa xứ… Riêng cư dân người Hoa cùng với người Việt ở Trảng Bàng rất kính trọng Tiên hiền Đặng Văn Trước, họ gọi ông là ông Cả hay ông Chủ chợ. Vào những ngày cúng ông ở đền thờ hay đình, rất đông người đến viếng.

Phật giáo cùng lưu dân trong cuộc Nam tiến đến vùng đất Tây Ninh từ rất sớm, cộng đồng người Hoa đến chùa lễ Phật, tham gia khoá lễ của Phật giáo và quy y tại các chùa. Tại tư gia người Hoa cũng có một tran thờ trang trọng ở giữa nhà, thờ Phật Thích Ca, Phật A Di Đà hay Bồ tát Quan Âm. Tây Ninh còn được xem là vùng “thánh địa” của tôn giáo Cao Đài nên có đông đảo người Hoa nhập môn đạo, tham gia sinh hoạt tôn giáo tại các thánh thất ở địa phương.

Phí Thành Phát

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục