Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tín ngưỡng thờ Linh Sơn Thánh Mẫu trong Phật giáo Tây Ninh
Chủ nhật: 07:25 ngày 25/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen) là tín ngưỡng khởi phát tại vùng đất Tây Ninh. Vị nữ thần này được tổng hợp từ nhiều nguồn gốc với những huyền tích khác nhau.

Nghi thức Trình thập cúng trong lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen

Trong văn hoá Hindu, đó là tín ngưỡng thờ Mariamman, Kali (Ấn ]Độ, Indonesia), Niềng Khmau (Campuchia) hay Muk Juk, Uma (Chăm). Bà đã được Việt hoá bằng sự tích Huyền trinh nữ, kể về người “con gái mặt đen” Lý Thị Thiên Hương, được vua Bảo Đại ban sắc phong vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935) với mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần”.

Linh Sơn Thánh Mẫu trong quan niệm Phật giáo

Linh Sơn Thánh Mẫu hiện diện cả trong tín ngưỡng dân gian lẫn trong Phật giáo. Bà được phối thờ trong các chùa ở Tây Ninh với vai trò là một vị hộ trì Tam bảo.

Bàn thờ Linh Sơn Thánh Mẫu được đặt phía sau bàn thờ Phật và đối diện với bàn thờ tổ theo kiểu “Tiền phật hậu thánh”. Cũng có chùa thờ Bà nơi chái bên Tây chánh điện (gian bên phải của chánh điện) hoặc có miếu thờ riêng cùng với các vị nữ thần như Ngũ Hành Nương Nương, Chúa xứ Thánh Mẫu, Diêu Trì Địa Mẫu… trong khuôn viên chùa.

Hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ tại các chùa với nhiều hình tướng và chất liệu phong phú, khác nhau như: bộ tượng tại chùa Phước Lưu (thị xã Trảng Bàng), chùa Cổ Lâm (huyện Châu Thành) làm bằng gốm do các nghệ nhân lò gốm Cây Mai tạo tác, thuộc dòng gốm Sài Gòn xưa khoảng đầu thế kỷ XX; bộ tượng chùa Hội Phước (thị xã Trảng Bàng), chùa Thiên Phước (TP. Tây Ninh) bằng hợp chất, sơn màu với tư thế đứng, hai tay bắt ấn; bộ tượng tại chùa Linh Sơn Thanh Lâm (huyện Gò Dầu) tạc bằng gỗ sơn màu với tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mão, mặc áo bào, tay cầm hốt, chân đi hia hay các tượng được tạo tác với chất liệu bằng đồng, vàng, ngọc, đá quý, hợp chất hồ ô dước hoặc xi măng có khung thép, sơn son thếp vàng… cũng được tạo dáng tương tự thờ tại các chùa. Tại chùa Quan Âm (động Ba Cô, núi Bà Đen) đã dung hoà được tính dân gian và Phật giáo trong lối tạo hình một vị thánh mẫu có da mặt đen, ngồi trong tư thế kiết già thiền định trên toà sen.

Bên cạnh Bà có tượng hai người hầu cầm ấn, kiếm hay quạt. Đặc biệt, tương truyền rằng sau khi lên ngôi, vua Gia Long truyền cho quan địa phương đúc cốt Bà Đênh bằng đồng đen để thờ tại động trên non linh (Huỳnh Minh, “Tây Ninh xưa và nay”, xuất bản 1972, tr.46). Sự thật không phải là tượng đồng đen, mà bằng đồng đỏ, đúc rỗng, cao khoảng 60cm, hiện thờ tại chùa Linh Sơn Phước Lâm (chùa Vĩnh Xuân, phường 1, TP. Tây Ninh).

Năm 2019, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Hiện nay, hầu như các chùa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, như: hệ thống các chùa ở núi Bà Đen; chùa Linh Sơn Phước Lâm (Vĩnh Xuân), Thiên Phước, Hiệp Long (TP. Tây Ninh); chùa Phước Lưu, Hội Phước, Vĩnh An, Tịnh Lý, Phước Thạnh, Phước Huệ, Hội Phước Hoà, Phước Bình, Giác Minh, Giác Nguyên (thị xã Trảng Bàng); chùa Thiền Lâm (Gò Kén, thị xã Hoà Thành); chùa Linh Sơn Thanh Lâm, Bửu Nguyên, Phước Ân, Phước Minh, Cẩm Phong, Thạnh Lâm, Cao Sơn (huyện Gò Dầu); chùa Bửu Long, An Phước, Long Thọ (huyện Bến Cầu); chùa Hạnh Lâm, Cổ Lâm (huyện Châu Thành)…

Đặc biệt, trong Phật giáo Tây Ninh, đã từ lâu các vị tổ sư đồng tôn phong Linh Sơn Thánh Mẫu là “Bồ tát” nên Bà còn được gọi với danh xưng “Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ tát”. Thể hiện qua các văn bản, mộc bản xưa, như trên các pháp phái thế độ, quy y ở chùa Phước Lưu, chùa Linh Sơn Tiên Thạch, chùa Linh Sơn Thanh Lâm và một số chùa ở Tây Ninh đều có nội dung “Linh Sơn Thánh Mẫu” hay “Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ tát tác đại chứng minh”.

Trên các sớ cầu an theo nghi thức Phật giáo tại Tây Ninh có thêm câu: “Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ tát chứng minh toạ hạ” hoặc cũng có văn sớ đề “Phật Bà chứng minh”. Phật Bà ở đây được hiểu là “Phật Bà Linh Sơn”, tức “Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ tát”.

Lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu ở chùa Linh Sơn Thanh Lâm (Gò Dầu).

Lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu

Hằng năm, chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen (Tây Ninh) long trọng tổ chức lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 5 (nông lịch) theo nghi thức Phật giáo cổ truyền.

Các nghi thức trong lễ vía Bà được thực hiện tuần tự, ngày 4.5 (nông lịch) có các nghi thức: Hưng tác cung thỉnh Thành Hoàng Bổn Cảnh, Niêm hương, Khai chung bản, khoa Nghinh Thần chủ thỉnh đức Địa Tạng Vương Bồ tát; cúng Phật, cúng Ngọ (tại điện Phật và điện Bà Linh Sơn), khoa Tịnh trù thỉnh Giám Trai Sứ Giả Bồ tát, khoa Lược phát cúng trình Thập Điện Minh Vương và Tam phủ (Thiên phủ, Địa phủ, Thuỷ phủ); Mộc dục (tắm Bà) và thay áo mão được thực hiện vào giờ chiều, Khai kinh đàn, sau phần cúng này chư tăng, ni và phật tử tụng kinh tại điện Phật.

Ngày 5.5 (nông lịch) có các nghi thức: Bái sám hồng danh, cúng Phật, cúng Ngọ, khoa Cấp thuỷ thỉnh Long Vương, Hà Bá, Thuỷ Quan và các vị thần ở nước. Đặc biệt, tiếp theo nghi thức khoa Trình thập cúng, là phần lễ chính cúng Linh Sơn Thánh Mẫu được thực hiện tại Điện Bà. Lễ vật dâng cúng bà gồm 10 món, lần lượt theo thứ tự: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, thuỷ, đồ, châu, bảo. Cuối ngày là nghi thức đăng đàn Chẩn tế cầu âm siêu dương thới.

Ngày 6.5 (nông lịch) diễn ra với nghi thức Bái sám hồng danh và cúng Phật, cúng Ngọ tại điện Phật và điện Bà, kết thúc lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu.

Ở mỗi phần lễ đều có sớ riêng, trên mỗi sớ đều có đề “Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ tát chứng minh”. Mỗi buổi sớm, trước khi vào lễ cúng, ban nhạc lễ thực hiện nghi thức tấu nhạc tại điện Phật chùa Linh Sơn Tiên Thạch. Cũng chính vì cúng Bà thực hiện theo nghi thức Phật giáo nên các lễ vật, đồ cúng đều là đồ chay tịnh.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày mùng 4 đến cuối tháng 5 âm lịch, ở một số chùa có thờ Linh Sơn Thánh Mẫu cũng thiết lễ cúng Bà kết hợp giữa nghi thức Phật giáo và dân gian.

Bổn “Chúc Linh Sơn nghi” tại chùa Phước Lưu (Trảng Bàng).

Nghi thức chúc tán Linh Sơn Thánh Mẫu tại chùa Phước Lưu

Theo nghi thức cổ truyền Phật giáo, đặc biệt là các ngôi cổ tự ở vùng đất Tây Ninh nói chung và chùa Phước Lưu nói riêng còn lưu truyền “Chúc Linh Sơn nghi” là nghi thức chúc tán Linh Sơn Thánh Mẫu vào khuya ngày sóc, vọng hằng tháng. Nghi thức được thực hiện vào thời công phu khuya mùng 1 và ngày 15 tại ban thờ Linh Sơn Thánh Mẫu do vị trụ trì đương vi Sám chủ.

Đại chúng tụng “Thất Phật diệt tội chơn ngôn”, vị Sám chủ quỳ chúc Linh Sơn Thánh Mẫu và phục nguyện rồi tán bài “Linh Sơn Thánh Mẫu chúa tể tiên nương, hồng hồng sắc tướng tập thần tiên, lan giám vật đệ hương ứng hiện chơn thường, nguyện cứu chư tai ương”.

Trong nghi thức có nêu rõ danh xưng “Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ tát”. Nghi thức được thực hiện với ý nghĩa chúc tụng, tán dương công đức của Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ tát và nguyện cầu Bà chứng minh hộ trì chúng sinh tiêu tai giáng phước.

Linh Sơn Thánh Mẫu là vị thần bảo hộ cho một vùng đất trong quan niệm dân gian, được Phật giáo tiếp nhận trên tinh thần “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”, tôn phong Bà là vị Bồ tát hộ trì Tam bảo, thể hiện sự chuyển hoá tín ngưỡng dân gian theo một tuệ giác chính đáng, hướng con người đến cái chân - thiện - mỹ qua những triết lý của nhà Phật, phù hợp với tinh thần nhập thế của Phật giáo. Tính chất của văn hoá bản địa đã tạo nên nét riêng trong Phật giáo Tây Ninh thông qua hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu.

Phí Thành Phát

Tin liên quan