Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện thời sự
Tin vui tất niên 2020
Thứ ba: 11:17 ngày 29/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông theo dõi thời sự chắc cũng đã biết là mới đây, Tổ chức đánh giá thương hiệu uy tín nhất thế giới Brand Finance ở nước Anh đã có Báo cáo thương hiệu quốc gia National Brand 2020, trong đó giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng lên tới 9 bậc, từ hạng 42 năm 2019 tăng lên hạng 33 trong top 100 nước có thương hiệu quốc gia giá trị cao trên thế giới.

- Ông nhà báo nè, chỉ còn có mấy ngày nữa là hết năm 2020, tôi theo dõi thời sự quốc tế có nghe tin giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mình năm nay được đánh giá tăng nhanh nhất thế giới là sao hả ông? Tôi tưởng chỉ có sản phẩm hàng hoá mới có thương hiệu chứ.

- Ông “tưởng” vậy là không sai, mà nguồn tin Việt Nam tăng giá trị thương hiệu quốc gia ông vừa nghe cũng đúng.

- Là sao?

- Bàn Dân nghĩ, muốn hiểu về thương hiệu quốc gia, trước hết, ông phải tìm hiểu thế nào là thương hiệu (tiếng Anh gọi là brand) cái đã. Theo Hiệp hội Marketing Mỹ, thương hiệu là cái tên, là khẩu hiệu, ký hiệu, biểu tượng hay là những thiết kế, hoặc là tổng hợp các yếu tố nói trên với mục đích xác định hàng hoá hay dịch vụ của một hay một nhóm nhà cung cấp để phân biệt với những đối thủ cạnh tranh khác…

- Nói vậy, rõ ràng thương hiệu là cái để nhận biết hàng hoá hay dịch vụ của nhà cung cấp, sao lại…?!

- Ông để Bàn Dân nói hết cái đã. Từ khái niệm về thương hiệu kể trên mà người ta mở rộng ra để hiểu thương hiệu quốc gia (tiếng Anh gọi là National brand) cũng là tên, là các khẩu hiệu, ký hiệu, biểu tượng, thiết kế hay tổng hợp những yếu tố ấy với mục đích xác định hàng hoá và dịch vụ được tạo ra từ một quốc gia này nhằm phân biệt với hàng hoá, dịch vụ từ các quốc gia khác.

Cũng từ khái niệm đó, việc phát triển thương hiệu quốc gia là một quá trình có tính hệ thống gồm hai nội dung chính là xây dựng thương hiệu quốc gia và quản lý thương hiệu quốc gia. Xây dựng thương hiệu quốc gia là tạo ra được một thương hiệu quốc gia, quản lý thương hiệu quốc gia nhằm bảo đảm rằng thương hiệu quốc gia được sử dụng đúng mục đích, đạt kết quả so với mục tiêu chương trình thương hiệu quốc gia đề ra.

 - Như vậy, ắt là Chính phủ nước mình phải có chiến lược, có chương trình, kế hoạch xây dựng, quản lý thương hiệu quốc gia thật chu đáo, mới có được kết quả như vậy chứ?

- Không sai. Chính phủ ta đã có Chương trình thương hiệu quốc gia từ 17 năm về trước, cụ thể là Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QÐ-TTg, ngày 25.11.2003, giao cho Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.

Gần đây nhất là ngày 8.10.2019, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1320/QÐ-TTg về phê duyệt Chương trình thương hiệu quốc gia từ năm 2020 đến năm 2030. Và chính từ cách làm thương hiệu quốc gia một cách bài bản của Chính phủ ta trong suốt nhiều năm qua, mà thế giới mới biết đến và đánh giá mức tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam nhảy vọt, tăng nhanh nhất thế giới trong năm 2020 mà ông vừa nghe tin đấy.

- Hay thật nhỉ! Nhưng tôi chưa nắm rõ nhờ đâu mà ta có kết quả tăng vọt giá trị thương hiệu quốc gia trong năm nay vậy ông?

- Ông theo dõi thời sự chắc cũng đã biết là mới đây, Tổ chức đánh giá thương hiệu uy tín nhất thế giới Brand Finance ở nước Anh đã có Báo cáo thương hiệu quốc gia National Brand 2020, trong đó giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng lên tới 9 bậc, từ hạng 42 năm 2019 tăng lên hạng 33 trong top 100 nước có thương hiệu quốc gia giá trị cao trên thế giới. Cụ thể về giá trị tuyệt đối tính bằng đô la Mỹ thì thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 có giá trị 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019 (247 tỷ USD).

- Ðó là kết quả cụ thể bằng giá trị thực tế và trên bảng xếp hạng. Còn về nhận xét đánh giá thì Báo cáo thương hiệu quốc gia National Brand 2020 nhận định về nước ta như thế nào hả ông?

- Ðể Bàn Dân đọc chính xác từ bản dịch Báo cáo National Brand 2020 cho ông nghe: “Việt Nam bất chấp xu hướng toàn cầu, tăng 29%. Việt Nam là thương hiệu quốc gia phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực này trên bảng xếp hạng của năm, giá trị thương hiệu của Việt Nam tăng vọt 29% lên 319 tỷ đô la Mỹ.

Việt Nam đã ghi nhận số ca mắc và số trường hợp tử vong do Covid- 19 đáng kinh ngạc, đã nổi lên như một trong những địa điểm hàng đầu trong khu vực Ðông Nam Á về sản xuất và trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Mỹ, đang tìm kiếm để di dời các hoạt động của họ ở Trung Quốc do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và gần đây là hiệp định thương mại tự do ưu đãi với EU đang hỗ trợ sự phát triển của quốc gia hơn nữa”.

- À, phải rồi, nhận định đó chẳng phải cũng chính là sự nhìn nhận thành quả của việc cả nước ta cùng thực hiện “nhiệm vụ kép” trong năm 2020 đó sao?

-Chứ còn gì nữa, nếu nước ta không có được sự đồng lòng, chung sức, trăm triệu người như một, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện cho bằng được hai nhiệm vụ phòng, chống đại dịch và phát triển kinh tế thì làm sao mà có được bước nhảy vọt khiến thế giới phải kinh ngạc như thế.

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh