Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tình cổ tích
Thứ bảy: 15:54 ngày 01/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Là bạn thân của Sang và Thư, chuyện tình của họ, với Châu - như chuyện cổ tích.

Cái tin Sang và Thư chuẩn bị cưới nhau lan khắp cái thị trấn nhỏ tèo teo. Nhiều người thở khì như vừa xem xong một vở cải lương đầy kịch tính, nhưng bao giờ cũng có cái kết kiểu tiền hung, hậu kiết: “Có thế chứ! Ông trời thật có mắt!”. Châu lại khác, không hề ngạc nhiên vì biết chắc đó là chuyện không sớm thì muộn. Là bạn thân của Sang và Thư, chuyện tình của họ, với Châu - như chuyện cổ tích.

Nhà Thư nghèo rớt mồng tơi, ba mất, mẹ gánh gồng nuôi chị em Thư ăn học. Phải công nhận là dì Hai mẹ Thư giỏi, bà khéo tay, biết nấu nhiều món ngon. Quán nhỏ đối diện đầu kênh là nơi tấp nập khách vào mỗi buổi sáng.

Thư không giống mẹ, nấu ăn không khéo nhưng bù lại nó học rất giỏi. Châu thường sang đó, vừa hỏi bài Thư, vừa phụ bạn nhặt rau, đâm tỏi. Dì Hai nói giỡn: “Coi bộ mày chuyển hộ khẩu luôn rồi!”. Nói là quán, thực ra chỉ là một khoảnh, tầm 20 mét vuông, trước hiên nhà được dì Hai bày biện vài cái bàn con con, dăm ba chiếc ghế cũ kỹ.

Khuôn bếp do dượng Hai xây cách nay hơn 5 năm. Vãn khách, dì Hai kể: “Mới 12 tuổi, ba con Thư theo mấy người anh lớn vào trong chiến khu, còn nhỏ quá nên chỉ làm chân tà lọt phụ việc, nhờ vậy mà biết làm đủ thứ. Con xem nè, trong nhà này từ bàn, ghế, bếp và cả cái giường tre ngoài kia, một tay ổng làm. Bom đạn ác liệt, vào sanh ra tử ổng vẫn bằng an mà giờ phải đầu hàng trước căn bệnh ung thư”.

Bữa nào dì Hai cũng ưu ái dành riêng cho Châu, khi thì tô bún ú ụ đầy bì, chả; lúc là gói bánh tằm… bảo sao Châu không mập. Người ta ca: “Nước chảy liu riu/ Lục bình trôi líu ríu/ Anh thấy em nhỏ xíu/ Anh thương”. Tụi bạn chế lại để chọc Châu: “Nước chảy lô nhô/ lục bình trôi lố nhố/ Anh thấy em tổ bố/ Anh thương”.

Cách quán dì Hai chừng 300m là nhà lầu hai tầng của Sang, bán phân bón, thuốc trừ sâu. Sang và Thư yêu nhau, nhưng ngoéo tay là không để ảnh hưởng đến việc học. Khi biết chuyện, mẹ Sang ra sức ngăn cản, bà chê nhà Thư nghèo không “môn đăng, hộ đối”.

Hết 12, Châu và Thư cùng đậu vào đại học kinh tế. Sang thì trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Hai con bé nhà quê chơi thân nhau từ nhỏ giờ lại chung giảng đường thì còn gì hạnh phúc bằng. Nhiều đêm hai đứa dắt nhau ra ghế đá ký túc xá, tìm một không gian riêng để Thư kể cho Châu nghe những chuyện về Sang. Có lần còn được xem cả thư.

“Châu Thành, ngày… tháng… năm…

Em thương yêu

Chỉ còn vài tháng nữa là anh đã mãn nghĩa vụ quân sự, anh sẽ về ôn tập  chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Tâm trạng của anh những ngày này lạ lắm Thư à! Một mặt muốn mau mau về quê để được gặp lại gia đình, gặp lại em, mặt khác lại sợ xa đồng đội.

Bây giờ là thời bình mà tình cảm còn quyến luyến như vậy, thử hỏi trong thời chiến, sống chết bên nhau, cùng chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn… thì tình cảm còn thắm thiết đến cỡ nào. Anh sợ phải đối mặt với mẹ, phải nghe lại điệp khúc: “Con quen với ai thì phải được sự đồng ý của mẹ, con hãy nhớ con là cháu đích tôn của nhà này. Mẹ không ưng con Thư, con ráng mà quên nó đi…”.

Em nghĩ xem, thời này là thời nào mà mẹ lại áp đặt đến thế. Anh tính kỹ rồi, sẽ cố gắng học hành có nghề nghiệp tử tế, không cần ba mẹ đồng ý, anh sẽ nhờ đại diện cơ quan đứng ra làm chủ hôn. Em ráng chờ anh nhé…!”.

Đang thư qua thư về liên tục, bỗng dưng Sang bặt vô âm tín. Tội nghiệp, Thư như kẻ mất hồn. Chủ nhật về quê nhờ người quen dò hỏi tin tức bên nhà Sang cũng không được gì. Rồi áp lực học hành thi cử đè nặng, con bé bị xoáy vào guồng quay căng thẳng.

Hai đứa đều tốt nghiệp với kết quả loại giỏi. Châu được giữ lại trường giảng dạy còn Thư nhất định về quê xin việc. Vốn có năng lực lại siêng năng, tận tuỵ, trách nhiệm cao… con đường thăng tiến của Thư lên rất nhanh.

Thời gian rảnh, nó thường lân la làm quen với vợ của chú Năm- tài xế riêng của ba mẹ Sang. Đến chơi, nó chỉ bài cho con bé Liên ôn tập, thi cử nên được lòng hết cả nhà. Một hôm, chú Năm gọi Thư ra ngoài sân và nói: “Thấy cô tội quá, tôi cho cô địa chỉ này, thằng Sang đang ở gần đây- tại nhà nội của nó. Cô phải thật bình tĩnh khi gặp nó nhe! Nhớ lời tôi dặn tới xã Phước Chỉ, tìm ấp Phước Thuận hỏi thăm nhà ông Ba Hơn. Chuyện này phải kín, bà chủ biết là đuổi việc tôi liền”.

Châu phóng xe honda như bay chở Thư về khu vực ba xã cánh Tây - một địa danh mà cô chỉ nghe nhưng chưa có dịp đến. Con đường quanh co, uốn lượn bên những cánh đồng lúa xanh biếc. Một người phụ nữ khoảng 40 tuổi, quần ống thấp, ống cao đưa tay chỉ:

- Hai cô nhìn kìa! Có thấy những cây cau thẳng tắp đó hay không? Các cô cứ chạy theo đường bờ đến ngôi nhà có mấy cây cau đó, nhà ông Ba cách đó 3 căn.

Đến đúng ngôi nhà cổ kính có hàng cau đang vươn mình trong nắng, Châu nhẹ nhàng tắt máy, cùng với Thư hồi hộp tìm nhà. Một khu vườn nho nhỏ, một cây xoài thật to, vài chậu kiểng trồng hoa sứ. Cái màu đỏ của hoa xen với màu xanh của các loại cây khác tạo cho khu vườn nét sống động, tươi mát.

Trên chiếc xe lăn, Sang đang ngồi đọc sách. Anh cúi đầu xuống, mái tóc quăn bồng bềnh khá dài, vầng trán cao lấp lánh ánh thông minh, nước da sạm đen so với nét trắng trẻo thư sinh thường ngày, trông anh hơi gầy và nhìn kỹ, trời ạ, chân bên phải… một ống quần phất phơ.

Không kiềm chế được, Thư chạy vào oà khóc.

Sang như đứng hình trước sự xuất hiện quá đột ngột của hai người bạn thân. Con chó sủa inh ỏi, mẹ Sang từ nhà sau chạy lên. Châu nắm tay bà, đi vào trong nhà.

Phòng khách có khá nhiều đồ gỗ, phủ một lớp bụi mờ. Căn nhà nghe vắng tênh. Gió thổi qua các ô cửa sổ xua tan bớt cái nóng bức của ngày hè. Dì Ba- mẹ của Sang kéo tay Châu cùng với bà ngồi xuống bộ ván gõ.

Bà thầm thì nho nhỏ đủ cho Châu nghe:

- Cháu à! Còn khoảng hai tháng mãn nghĩa vụ thì trong một chuyến đi công tác nó bị tai nạn giao thông. Ở bệnh viện khi tỉnh dậy biết mình bị cưa mất một chân nó buộc dì phải giấu kín chuyện này. Nó thương con Thư lắm nhưng quyết tâm cắt liên lạc.

Dì nói: - Hay là má cho con Thư biết để nó đến thăm con”. Nó la lớn: - Má nghĩ sao mà nói như vậy, ngày trước con của má lành lặn thì má không chấp nhận người ta, bây giờ tật nguyền như vầy lại tính giao của nợ. Cô ấy hiện có nghề nghiệp ổn định, cổ còn cả tương lai ở phía trước. Cháu là bạn thân của tụi nó, cháu ráng giúp giùm dì nhe cháu.

Mẹ Sang nói đến đây thì Thư bước vào. Cô nói:

- Con xin phép dì cho con được thường xuyên đến thăm Sang.

Hai người phụ nữ ôm nhau khóc.

- Con ơi, dì thật sự có lỗi với con, mong con tha thứ. Dì xin con hãy thương dì, thương thằng Sang mà thường xuyên lui tới đây.

- Ảnh không cho con đến, ảnh nói hết thương con rồi, nhưng con biết là ảnh nói dối.

*

Những ngày sau đó, Thư suy nghĩ lung lắm. Cô tự hỏi có phải mình đã thương hại Sang như lời anh nói hay không? Chắc chắn không phải là lòng thương hại. Nhưng đoạn đường mà cô sắp bước đi không hề đơn giản. Dù gì nhà cô cũng nghèo hơn nhà Sang rất nhiều, thế nào cũng có tiếng xì xào cho là cô ham giàu.

Chấp nhận Sang là chấp nhận biết bao khó khăn. Bước đầu phải vực tinh thần anh ấy, giúp Sang trở về con người hóm hỉnh, nhân hậu, năng nổ… ngày nào. “Mưa dầm thấm lâu”, mỗi ngày kiên trì một chút, một chút.

Thời gian sẽ giúp cho đậm sâu, bền bỉ. Tiếp theo là phải thuyết phục mẹ. Những lời khinh bạc ngày xưa còn hằn sâu nỗi đau trong lòng chưa nguôi ngoai, liệu bà có đồng ý một thành viên như Sang vào trong gia đình.

Người mẹ nào lại chẳng muốn con mình đẹp mặt. Rồi phải tính đến tương lai lâu dài của hai đứa. Khởi nghiệp với một người lành lặn đã không dễ, khởi nghiệp với một người như Sang lại càng khó. Bao nhiêu là câu hỏi cứ nảy sinh dồn dập trong đầu Thư nhưng cô tin rằng với tấm lòng trong sáng, với một tình yêu thuần khiết mà cô dành cho Sang, mọi chướng ngại sẽ được san bằng.

*

Cứ chiều chiều tầm 17 giờ, người dân ấp Phước Thuận lại thấy môt cô gái mảnh khảnh chạy chiếc xe honda đến nhà ông Ba Hơn. Dưới bóng mát cây xoài, hai người tâm sự huyên thuyên, họ nhắc lại những kỷ niệm khi còn đi học, nhắc lại những ước mơ cháy bỏng.

- Anh còn nhớ hồi lớp 9 tụi mình học Văn với cô Thuý hay không? Cô dạy cực kỳ hay. Mỗi đoạn trích cô đều bắt tụi mình đọc kỹ ở nhà và vào lớp cô phân công đóng vai. Hồi đó anh đóng ông Nghị, em đóng chị Dậu. Còn trích đoạn Quan Âm Thị Kính thì em đóng vai Thị Kính..

Chàng trai cướp lời:

- Anh là Thiện Sĩ, thật không hiểu nổi tại sao ngày ấy mình mới học lớp 9 mà đóng đạt đến thế, biết luyến láy, nhấn giọng. Cô Thuý khen quá chừng. Không biết bây giờ cô còn hay mất. Có một lần anh nằm mơ thấy tụi mình lên kịch bản, tập đàng hoàng đánh vi tính hẳn hoi. Cả nhóm rủ nhau ra mộ cô, diễn cho cô xem. Diễn xong có một cơn gió thật to, bay những tờ kịch bản phủ đầy trên mộ cô.

Còn chuyện về thầy Tú cũng rất vui. Thầy nói một câu bất hủ : - Me dốt chỉ có một mùa chúng mày dốt cả bốn mùa.

Thỉnh thoảng, người ta còn thấy chàng trai đàn, cô gái hát, những tiếng cười giòn tan cất lên.

Chiều hôm nay cô gái bận việc không đến được. Chàng trai ngồi một mình ngắm nhìn bao quát cảnh vật xung quanh. Một vạt đất nhỏ nhà đối diện trồng bông vạn thọ. Nghe nói chẳng biết có đúng không, cúc vạn thọ có tác dụng đuổi côn trùng, hèn gì quan sát kỹ thấy các luống rau mọc bên cạnh thật tươi tốt. Xa hơn một chút những cây tràm, cây chuối vươn lên trong ráng chiều. Sang cứ ngồi lặng lẽ quan sát và nhớ như in mẩu đối thoại hôm qua

- Em suy nghĩ thật kỹ chưa mà quyết định như vậy?

- Em đã suy nghĩ thật kỹ rồi.

- Người ta có chồng là nhờ chồng gánh vác chuyện nặng, chuyện nhẹ còn em có chồng lại trở thành gánh nặng.

- Em không thấy đó là gánh nặng.

- Bây giờ thì em nói như vậy nhưng sau này khi nhìn thấy bạn bè có đôi có cặp, xứng lứa vừa đôi em sẽ tủi thân.

- Không! Em không bao giờ ân hận với quyết định của mình.

- Em hạnh phúc khi được làm vợ anh, một con người mà em rất ngưỡng mộ. Em cũng vui mừng  khi được mẹ chấp nhận. Anh à, khi còn đi học anh rất thông minh, vì vậy anh nên học một khoá tin học và sửa chữa máy vi tính. Khi thạo nghề, mình sẽ mở trung tâm và nếu điều kiện cho phép mình sẽ dạy miễn phí cho người khuyết tật, anh nghĩ sao?

- Còn nghĩ ngợi gì nữa, em lập trình cho anh hết rồi. Có bà xã học Đại học Kinh tế tính toán thật giỏi.

Sang cứ nhìn say sưa khuôn viên nhà nội. Ngôi nhà thân yêu chất chứa bao kỷ niệm. Ngày mai trở về thị trấn sẽ có nhiều lúc lòng bồi hồi vì nhớ đến nó. Nhớ những buổi sáng ngồi trầm tư dưới tán cây nhìn con bò gặm cỏ, nhìn gà mẹ lục cục gọi gà con, nhìn những chiếc lá bạc hà lăn tăn giọt nước, sóng sánh như những hạt kim cương. Ngày mai từ giã Phước Thuận, từ giã những tháng ngày buồn ảm đạm.

Chao ôi, chỉ có một buổi chiều vắng Thư, sao mà buồn vậy!

H.N

Tin cùng chuyên mục