Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tình đàn
Thứ bảy: 12:56 ngày 23/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cả khu trọ xôn xao, bàn tán. Có người bảo Khang đã về quê, tiếp tục chơi đàn. Có người hiểu chuyện ngậm ngùi mà suy luận: tiếng đàn ám ảnh, tình đàn khó nhạt phai khiến cho Khang mất trí!

Truyện ngắn: Trần Đức Sơn

1.Ðối diện khu nhà trọ tồi tàn mà Khang đang tá túc là ngôi nhà ba tầng khang trang, hiện đại. Cổng nhà rộng rãi, vòm hoa giấy tím nhạt rủ xuống um tùm. Tường nhà cao, uy nghi, kín đáo. Những khóm hồng tỉ muội trồng sát bờ tường, cành đâm qua khe hở, từng chùm phơn phớt.

Chủ nhân của ngôi nhà là một người đàn ông trên dưới năm mươi tuổi. Nhìn cách ăn mặc, Khang đoán rằng ông là một nghệ sĩ. Ông thường rời nhà lúc sáng sớm và trở về khi đường phố đã lên đèn.

Thường chập tối, từ tầng hai, tiếng dương cầm vang lên. Giờ đó Khang cũng vừa đi làm về. Ban đầu, anh ngạc nhiên lắm. Cứ dừng lại, ngước cổ lên nhìn. Sau lớp kính sáng bóng của ô cửa sổ là tấm rèm thưa màu trắng đục nên Khang không thể nào thấy được người chơi đàn là ai. Nhưng rồi, qua giai điệu lúc trầm lúc bổng, lúc trào sôi, mãnh liệt, khi lại chùng xuống, du dương tha thiết… Khang nghĩ người chơi đàn là một cô gái đẹp và rất quý phái.

Ðôi lần, Khang nhẩm theo giai điệu quen thuộc. Khi thì một bản nhạc cổ điển nổi tiếng từng ăn sâu trong tiềm thức của anh. Khi thì một điệp khúc tức tưởi, quặn lòng, gợi biết bao kỷ niệm về một thời ngỡ sẽ nằm yên trong quên lãng.

Mười năm rồi. Khoảng thời gian ấy đủ dài để làm đổi thay bao dự định, có nhiều ngả rẽ mà con người cần chọn lựa, dấn thân. Khang cũng đã vội vàng chọn lựa để rồi vuột mất hoàn toàn nhiều cơ hội. Khang mê đàn đến nỗi quên ăn vì nó. Những giai điệu đẹp của một bản nhạc có thể làm anh quên mọi thứ. Khang say sưa học đàn, tìm kiếm những điều hay từ nó. Ấy vậy mà, sự nổi của tuổi trẻ trước hệ luỵ không thành của tình yêu, anh đã từ bỏ, trốn chạy. Nếu không thì giờ đây, hẳn Khang đã là thành viên của một ban nhạc hay có thể giảng dạy trong một trường nghệ thuật nào đó.

Khang lắc đầu, búng tàn thuốc ra đường. Con hẻm chật, tấp nập người xe qua lại. Tiếng quát mắng vì va chạm nhau, tiếng còi xe inh ỏi kéo dài…

2.Tiếng đàn lại vang lên những âm thanh náo nức, rộn ràng. Ðây là đoạn điệp khúc của bản sonate. Một câu chuyện tình yêu lãng mạn, đẹp rạng ngời như ánh trăng xanh rải khắp thảo nguyên mênh mông, vắng lặng. Khang hình dung đôi lứa đang nắm tay nhau, dạo trên bãi cỏ, dưới tán cây xanh. Anh chợt nhớ đến Duyên. Mối tình đầu khi tuổi chớm hai mươi đầy say đắm. Khang phải mất một năm chinh phục. Bên nhau ba năm. Và kết thúc vì những lý do không ngờ tới. Duyên muốn ra nước ngoài tìm cơ hội phát triển cho nghệ thuật. Là Duyên nói thế. Tiếng đàn của nàng sẽ điêu luyện và có hồn hơn. Khang thì không thể… Anh không dám phản bội, đúng hơn là tôn trọng lời hứa với một người thầy đã cầm tay chỉ cho anh biết từng phím nhạc. Khang đã học ngày, học đêm, học hết những điều thầy truyền dạy, học đến nỗi những đầu ngón tay tê cứng… Thầy không muốn Khang ra nước ngoài, không phải sợ mất đi cậu học trò giỏi, lễ độ mà sợ Khang ra đi không biết lối quay về. Như những đứa con của thầy. Thầy có ba người con, đều là những nghệ sĩ nổi tiếng. Có người được cử đi nước ngoài biểu diễn, có người đi để nâng cao trình độ chuyên môn. Và tất cả đều tìm cách ở lại dù thầy khóc cạn nước mắt. Tiếng đàn của thầy từ đấy trầm đục hơn.

3.Trong công viên, hôm ấy. Cầm tay Duyên mà Khang lại nghĩ đến thầy. Ánh mắt nửa như van nài nửa như lo sợ của thầy khiến lòng Khang đau xót. Và anh đã để vuột mất Duyên trong buổi chiều mùa xuân, mưa bụi giăng giăng trên con đường trở về trường âm nhạc:

-Em đi nhé, anh đừng đợi!

Duyên nói một cách ráo hoảnh và đi. Khang rơi vào hụt hẫng, trống vắng. Tiếng đàn cất lên run rẩy, bẽ bàng. Mười đầu ngón tay bắt đầu chai sạn, không còn linh hoạt khi dạo trên phím đàn nữa. Anh bất lực, đau khổ nhìn những khung nhạc trước mắt chập chờn, trêu ngươi. Thầy vỗ vai Khang khuyên nhủ. Khang khóc. Giọt nước mắt tuổi hai mươi không phải là yếu đuối mà là chua xót. Khang bỗng sợ âm thanh của tiếng đàn. Những bản đàn quen thuộc vang lên bao giờ cũng thế, khiến anh bấn loạn. Khang rơi vào trầm cảm và gục ngã hoàn toàn khi biết Duyên dễ dàng đánh đổi với những toan tính làm mờ mắt. Một giảng viên âm nhạc sẵn sàng bao bọc Duyên với điều kiện nàng chấp nhận làm vợ bé ông ta.

Mấy năm sau, người thầy đáng kính của Khang qua đời. Anh đập vỡ chiếc đàn kỷ niệm được chắt chiu, dành dụm từ đồng tiền làm thêm của hai đứa. Rồi bắt xe vào Nam. Khang buông bỏ những gì liên quan đến âm nhạc.

4.Hiếm hoi lắm, cánh cổng được mở rộng. Vài chiếc xe con láng coóng đi vào sân. Tiếng người chào nhau xôn xao. Vòm hoa giấy nở đầy. Những cánh hoa mỏng manh rơi xuống mặt đất, bị gió hất tung, xao xác. Buổi trưa, con hẻm vắng người. Ngồi bên này, lắng tai, Khang có thể nghe được tiếng người nói chuyện bên kia. Họ là khách của ông chủ, ăn mặc sang trọng.

- Hôm nay là ngày giỗ của vợ ông chủ đấy!- Bà chủ nhà trọ đang đưa từng nhát chổi, nói với Khang khi thấy anh đăm đắm nhìn qua bên ấy.

-Vậy à!- Khang giật mình, hững hờ, không mấy quan tâm lắm. Nhưng rồi, Khang cảm thấy băn khoăn khi hôm nay tiếng đàn dương cầm không vang lên. Ðịnh bụng hỏi bà chủ, nhưng khi ngoái đầu lại thì bà chủ đã đi vào nhà trong.

5.Ngày chủ nhật. Khu nhà trọ ồn ào hẳn lên. Người vừa giặt giũ vừa nghe nhạc, kẻ vừa chơi với con vừa hát cải lương. Khang dậy muộn bởi đêm qua anh nhậu với mấy bạn cùng công ty, về ngủ mê mệt. Như một thói quen, Khang ra đằng trước, ngồi ở chiếc bàn nhỏ, gọi một ly cà phê và mấy điếu thuốc. Tiếng đàn vừa vang lên một lúc thì im bặt. Khang ngạc nhiên ngẩng nhìn. Bà chủ trọ bưng khay nước trà đặt trước mặt Khang, phân bua:

-Tội nghiệp, cô ấy chết trẻ quá! Ông ta yêu vợ quá nên cứ mở lại những bản đàn lúc sống cô ấy từng chơi!

Cái gì? Khang buột miệng, cảm giác một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng mình. Ngày xưa, Duyên cũng ước ao như thế. Cô nằm ngoan trong lòng anh và thủ thỉ những lời yêu thương, cả những khi lìa khỏi cuộc đời… Khang bảo Duyên vớ vẩn, nói năng tầm bậy không à. Duyên nũng nịu làm mặt giận…

Phải chăng tiếng đàn ấy là Duyên? Duyên đã chết? Không thể nào là như thế được? Thời gian hai đứa xa nhau, Khang không biết nhiều thông tin về Duyên. Anh nghĩ đấy cũng là tốt cho cả hai.

Những câu hỏi cứ dồn dập, vang lên trong đầu Khang, đưa anh đứng trước ngôi nhà đối diện. Chị giúp việc mở cổng, ngần ngại nhìn Khang. Khang định thần giây lâu rồi nói nhỏ:

-Tôi là bạn của cô Duyên!

Chị giúp việc trố mắt, rồi nhìn quanh. Nhà không có ai cả. Khoảng sân rộng, đầy nắng. Mấy chậu cây chăm sóc kỹ, dáng uốn hình thù kỳ lạ, đẹp mắt. Chị giúp việc nhìn Khang như nhận diện có quen biết không. Khang nở nụ cười lấp liếm sự sốt ruột. Cũng may chị ấy đẩy cánh cổng ra:

-Mời cậu vào nhà uống nước!

Duyên! Khang như muốn khuỵu ngã khi trên bàn thờ là di ảnh Duyên, khói nhang ảo mờ. Cạnh đấy là chiếc đàn dương cầm phủ tấm vải màu trắng.

Chị giúp việc nghẹn ngào. Duyên phát hiện ung thư khi về làm vợ ông chủ chừng ba năm. Ðã đến giai đoạn cuối nên không thể cứu chữa. Nàng chết và được ông chủ đưa về nước an táng. Theo nguyện vọng cuối cùng của vợ, ông chủ nhờ chị giúp việc thường xuyên mở lại những bản đàn mà cô ấy từng biểu diễn, để cô ấy không thấy cô đơn. Ðể ông chủ khi trở về nhà vẫn cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương.

Khang đã bước ra khỏi ngôi nhà ấy bằng cách nào không ai biết. Suốt chiều ấy, anh lang thang khắp nơi…

Cả khu trọ xôn xao, bàn tán. Có người bảo Khang đã về quê, tiếp tục chơi đàn. Có người hiểu chuyện ngậm ngùi mà suy luận: tiếng đàn ám ảnh, tình đàn khó nhạt phai khiến cho Khang mất trí!

Vĩ thanh

Tôi lại nghĩ khác. Một khi con người nhận ra được điều mình cần làm để quá khứ buồn đau không còn đeo đuổi, để người trong cuộc không còn ám ảnh, luỵ phiền, chỉ có một cách hoán đổi hoàn cảnh, sống vị tha và hướng tới điều lành, điều thiện.

Thế nên, Khang đã trở về trường âm nhạc. Mười năm trôi qua, cảnh cũ không còn, nhưng tình người vẫn mãi yêu thương. Những đứa con của người thầy hướng dẫn Khang, sau bao năm bôn ba ở nước ngoài đã trở về. Họ rất quý Khang, giúp anh tìm lại những giá trị thường hằng mà một nghệ sĩ dương cầm không thể đánh mất được.

T.Ð.S

Tin cùng chuyên mục