Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyện thời sự:
Tình đất nước, nghĩa đồng bào...
Thứ hai: 08:22 ngày 09/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bão đã suy giảm, theo thống kê các tỉnh phía Bắc thiệt hại khá nặng nề…Nhưng toát lên đó, qua khó khăn mới thấy tinh thần Việt Nam bác ạ. Luôn yêu thương, đùm bọc, che chở, hỗ trợ nhau lúc hoạn nạn.

Sáng chủ nhật 8.9, Bàn Dân vừa bước vào quán cà phê “đàm thế sự” quen thuộc đã nghe một câu hỏi lọt vào tai:

- Tại sao người ta lại gọi cơn bão số 3 này là “siêu bão” vậy ông nhà báo?

Bàn Dân vừa kéo ghế ngồi xuống vừa trả lời:

- À… Bàn Dân có tìm hiểu và được biết, thật ra từ “siêu bão” là “văn nói” để chỉ các cơn bão rất lớn với sức gió rất mạnh, thuộc loại thiên tai có cấp độ rủi ro cao. Về mặt chuyên môn ngành khí tượng - thuỷ văn, theo phân cấp tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22.4.2021 của Thủ tướng Chính phủ, thiên tai được phân cấp căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai.

Cụ thể, rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá gồm có 2 cấp: cấp 1- màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp và cấp 2- màu vàng nhạt là rủi ro trung bình; còn thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão có 3 cấp gồm: cấp 3- màu da cam là cấp độ rủi ro lớn; cấp 4- màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5- màu tím là rủi ro ở mức thảm hoạ.

Đối với cơn bão số 3 này, sức gió có lúc lên tới cấp 14, 15, giật tới cấp 17 là bão rất mạnh, rủi ro rất lớn thuộc cấp 4 nên có màu “cảnh báo đỏ” và gọi là “siêu bão”…

- Tôi theo dõi qua báo chí, truyền thông thấy cảnh bão đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội thấy cảnh mưa bão thuộc cỡ “cuồng phong” càn quét, tàn phá thật dữ dội; nhiều nơi nhà cửa, cây cối, mùa màng tan hoang trông thật thảm thương. Nhìn cảnh các “cụ cổ thụ trăm tuổi” bên bờ Hồ Gươm ở trung tâm của Thủ đô yêu quý - ngàn năm văn vật cũng bị đổ ngã khiến người Hà Nội phải khóc ròng tôi cũng muốn rơi nước mắt luôn đó ông!

- Bàn Dân hiểu được nỗi xót xa thương cảm của ông, chúng ta cùng đồng cảm, chia sẻ với sự khốn đốn, nhọc nhằn của đồng bào vùng bị thiên tai. “Người trong một nước” cả mà!

- Trong giai đoạn “bùng nổ thông tin” hiện nay, chúng ta ở đây, cách xa vùng bị thiên tai hàng ngàn cây số mà cũng gần như nhìn được tận mắt cảnh tượng bà con phải gồng mình chống chọi với bão, thiệt là thấy thương đồng bào mình quá hả ông!

- Vâng, để Bàn Dân đọc cho ông nghe dòng tin nhắn của một đồng nghiệp ở miền Bắc vừa chia sẻ với mình đây: “Chào nhà báo, tình hình mưa bão hôm nay như thế nào (như thế này- NV): Bão đã suy giảm, theo thống kê các tỉnh phía Bắc thiệt hại khá nặng nề…

Nhưng toát lên đó, qua khó khăn mới thấy tinh thần Việt Nam bác ạ. Luôn yêu thương, đùm bọc, che chở, hỗ trợ nhau lúc hoạn nạn… Hình ảnh bộ đội, công an kịp thời giúp dân, hình ảnh những xe lớn lập thành hàng để che chắn gió cho xe máy qua cầu…”. Đấy, tình nghĩa ruột thịt của đồng bào mình là như thế, thương quá đi chứ!

- Và cũng từ “cái đận” thiên tai này, tôi nghĩ dân mình càng thấm thía hơn “tình Dân nghĩa Đảng” qua hình ảnh về sự bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả của Đảng, Nhà nước cùng với sự đồng tâm hiệp lực của toàn hệ thống chính trị nước mình trước tình hình khó khăn đột xuất.

Đó là chuyện ngày và đêm hôm qua, ngay trong vùng tâm bão đổ bộ thì Sở chỉ huy tiền phương do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đứng đầu cùng với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo các địa phương vùng bão đổ hộ đã họp tới bốn cuộc sáng, trưa, chiều, tối; rồi lại đến tận hiện trường để chỉ huy các lực lượng, các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào chống bão. Hay nói cách khác, đó là cảnh Đảng, Nhà nước cùng “oằn mình chống bão” với Nhân dân.

- Vâng, ông cảm nhận không sai. Tuy nhiên còn có một chuyện mà Bàn Dân nghĩ khó mà thấy được ở bất kỳ nước nào khác, đó là câu chuyện được đề cập trong bản tin sau đây: “Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khác triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí.

Hoạt động này của Viettel và các doanh nghiệp viễn thông giúp đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt cho chính quyền và người dân tại những vùng bị cô lập khi mạng viễn thông đang sử dụng gặp sự cố và không có sóng do ảnh hưởng của bão số 3. Với hoạt động này, thuê bao của các mạng di động khác có thể được tự động kết nối để thực hiện cuộc gọi, nhắn tin SMS trên hạ tầng của Viettel tại các khu vực mà mạng di động đó bị gián đoạn thông tin và ngược lại.

Quá trình roaming được thực hiện tự động, không cần bất kỳ thao tác nào từ phía khách hàng và được duy trì đến khi các nhà mạng khôi phục lại hoàn toàn mạng lưới. Được biết, Viettel đã huy động 6.500 người nhằm đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trước, trong và sau bão số 3”.

- Quả thật chỉ ở nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mới có động thái nghĩa tình đặc biệt như thế! 

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh