Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tình hình bi đát, người chăn nuôi phải tiêu hủy trứng gà
Thứ sáu: 09:10 ngày 17/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hiện nay, phần lớn người chăn nuôi gia cầm đang thua lỗ nặng. Nếu dịch bệnh kéo dài sang quý 2, sẽ có nhiều doanh nghiệp (DN) chăn nuôi đến bờ vực phá sản.

Ngày 16-4, trao đổi với PLO, bà Đinh Thị Xuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Gà giống Châu Thành (Nam Định), rầu rĩ cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đang rất bi đát. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, công ty không bán được con giống nên quy mô đàn đã giảm đi một nửa, hiện chỉ còn khoảng 7.000 con vịt, 8.000 con gà. 

"Người dân lo ngại dịch COVID-19 không nuôi, chúng tôi phải bán trứng hoặc hủy, giảm đàn vì không có chi phí duy trì" - bà Xuân nói.

Anh Bùi Quang Bình, Bí thư Huyện đoàn Ứng Hòa (Hà Nội) khảo sát trang trại gia cầm để hỗ trợ người dân bán trứng trong mùa dịch. Ảnh: Tuoitrethudo

Theo chia sẻ của DN, tình trạng ế ẩm kéo dài từ ra tết đến nay, giá bán gà vịt đều dưới giá thành sản xuất. Hiện công ty Châu Thành đang có hơn 40 công nhân, bà Xuân lo lắng có khi chỉ chi trả được khoảng 80% lương cho công nhân trong tháng 4 này.

Cùng cảnh ngộ, tại Công ty Cổ phần trứng sạch Tiên Viên (Hà Nội), chuyên cung cấp trứng cho các nhà hàng, khách sạn, trường học cũng bị giảm đến 3/4 sản lượng so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Cùng với trứng, con giống gà của công ty làm ra cũng chưa bán được vì giá rất rẻ. Trong khi đó, giá thành sản xuất thì ngày một tăng cao.

"Công ty có 100 lao động, chúng tôi phải giảm 30% lương của công nhân, cho nghỉ luân phiên vì quá khó khăn. Khi khó khăn như thế này chúng tôi rất cần tiền để duy trì và khôi phục sản xuất sau giai đoạn khó khăn, tuy nhiên các ngân hàng có vẻ rất e dè cho vay" - ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty Tiên Viên chia sẻ. 

Còn tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm của người dân cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 700.000 trứng vịt, gà chưa thể tiêu thụ được. DN, người dân tại đây đang khóc dở, mếu dở. Một số đơn vị như Huyện đoàn Ứng Hòa đã đứng ra vận động, hỗ trợ người dân tiêu thụ, giải cứu trứng gà.

Trao đổi với PLO, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), cho biết hiện người chăn nuôi gia cầm đang lỗ nặng. Nguyên nhân là từ cuối năm 2019, nguồn cung về gia cầm tăng rất nhanh để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt heo. Thịt, trứng gia cầm tăng hơn 20%. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lại bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nên các nhà hàng, nhà máy, công xưởng tập thể... tạm ngừng hoạt động khiến sức tiêu thụ giảm rất nhiều. 

Hiện nhiều DN hội viên của VIPA đang điêu đứng, lỗ nặng khi các đàn gà loại thải với hàng triệu con đang không bán được. Cứ đà này khi tình hình dịch bệnh không kiểm soát được, kéo dài sang quý 2 thì sẽ có nhiều DN chăn nuôi đến bờ vực phá sản.

Đáng lưu ý, trong khi đầu ra gặp khó khăn thì các nguyên liệu đầu vào giá lại bị đẩy cao chót vót, như thức ăn, thuốc thú y. Theo số liệu của các DN báo cáo lại thì các nhà máy thức ăn hiện nay chỉ đủ nguyên liệu trong hai, ba tháng tới. Nguyên nhân do nhập khẩu nguyên liệu thức ăn khó khăn. Thuốc thú y, nhất là vaccine phải nhập khẩu cũng khó khăn. Chỉ có một số DN thuốc thú y nhập khẩu lớn có dự trữ thì có thể cầm cự trong hai, ba tháng.

"Nếu tình hình này không cải thiện thì việc cung cấp, nhập khẩu một số loại vaccine sẽ khó khăn. Do nguyên liệu đầu vào khó khăn nên hiện giá thức ăn, thuốc thú y, vaccine đang rất cao. Đầu ra thì giảm, đầu vào nguyên liệu lại tăng 15-20% nên càng làm cho ngành chăn nuôi gia cầm khó khăn hơn" - ông Sơn nói.

Hiện VIPA đang tập hợp kiến nghị, đề xuất của các hội viên kiến nghị Chính phủ ngoài những chính sách chung đã có như giảm lãi suất vay ngân hàng, giãn nợ, thuế, tiền thuê đất... thì cần có chính sách đặc thù hỗ trợ cho ngành gia cầm duy trì và khôi phục sau đại dịch COVID-19.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục