Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cách đây 65 năm, đúng 17 giờ 30 phút ngày 7.5.1954, cờ Quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm của Sở Chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ; chấm dứt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
Chiến sĩ Sư đoàn 5 trong thực hành diễn tập..
Kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2019), chúng ta cùng tự hào điểm lại những mốc chính diễn biến của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Năm 1953, quân và dân ta liên tiếp giành thắng lợi lớn ở khắp nơi: Chiến thắng Việt Bắc - Thu Ðông 1947, Biên Giới 1950, Hoà Bình 1951, Tây Bắc 1952 và Thượng Lào 1953. Qua đó, làm cho quân Pháp ngày càng mất thế chủ động trên chiến trường. Nhằm cứu vãn tình thế, cùng với thực hiện kế hoạch Nava, cuối tháng 11.1953, Pháp đã đổ bộ trên 16 ngàn quân cùng nhiều vũ khí, trang bị hiện đại chiếm đóng Ðiện Biên Phủ với âm mưu xây dựng Ðiện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Ðông Dương.
Pháp nhận định: do địa hình đồi, núi hiểm trở, đường giao thông kém tại Ðiện Biên Phủ, Việt minh sẽ không thể mở đường tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược cho hàng vạn người chiến đấu lâu dài và kéo pháo hạng nặng để đáp trả. Ngược lại, Quân pháp sẽ dễ dàng khắc phục các khó khăn khi vận chuyển, tiếp tế bằng đường hàng không. Pháp tin rằng, nhờ cứ điểm Ðiện Biên Phủ, quân Pháp sẽ giữ được Lào, đồng thời thu hút, từng bước tiêu diệt quân chủ lực của ta.
Ðể đập tan âm mưu, hành động mới của địch, ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, nhất trí thông qua quyết tâm tiến công Ðiện Biên Phủ của Tổng Quân uỷ.
Ngày 22.12.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho quân đội ta, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công, hoàn thành cho kỳ được Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Ngày 25.1.1954 các đơn vị bộ đội chủ lực của ta đã tới vị trí tập kết, bố trí xong trận địa, sẵn sàng nổ súng tiến công.
Với phương châm ban đầu của Trung ương Ðảng, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tham mưu là “đánh nhanh, thắng nhanh”, quyết tâm tiêu diệt Ðiện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt, đồng loạt, thọc sâu. Vì lúc này, quân Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố hoàn chỉnh công sự tại Ðiện Biên Phủ.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc mọi mặt, Ðảng uỷ và Bộ Chỉ huy mặt trận, trực tiếp là Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, song phải hoãn thời gian nổ súng; thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Bởi vì:
Thứ nhất: Tuy quân số của ta đông hơn quân Pháp, song lại chưa có kinh nghiệm đánh công kiên cấp tiểu đoàn. Mặt khác, lượng dự trữ đạn pháo và hoả lực của quân Pháp rất lớn. Trung bình, cứ 1 bộ đội của ta phải hứng chịu 2 trái đại bác, 1 trái bom và 6 quả đạn cối.
Thứ hai: Ðịa hình tác chiến đều bị quân Pháp san phẳng mọi chướng ngại vật, nên việc tiếp cận các cứ điểm của ta gặp khó khăn trước hàng loạt hoả lực mạnh của địch
Thứ ba: Bộ đội chủ lực của ta chưa được luyện tập, diễn tập đánh hiệp đồng quy mô lớn.
Thứ tư: Bộ đội chủ lực của ta chỉ quen tác chiến ban đêm ở địa hình dễ ẩn nấp; chưa có kinh nghiệm tiến công ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là gặp đối phương có máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện.
Vì thế, việc chuyển phương châm tác chiến là một chủ trương kịp thời, chính xác, thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Ðảng và Bác Hồ là “Ðánh chắc thắng”. Sau hơn hai tháng hoãn thời gian nổ súng để chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt và huấn luyện bổ sung, ngày 13.3.1954, Chiến dịch Ðiện Biên Phủ chính thức bắt đầu và kết thúc thắng lợi vào ngày 7.5.1954.
Tròn 65 năm đã trôi qua, song tinh thần chiến thắng Ðiện Biên Phủ mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam.
Ðó là tinh thần đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh của toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương đều tập trung cao nhất cho chiến trường; là tinh thần yêu nước cách mạng, “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và quyết chiến, quyết thắng. Tinh thần yêu nước đó kết hợp với tinh thần dũng cảm kiên cường, trí thông minh, sáng tạo, sự nỗ lực phi thường đã giúp quân và dân ta khắc phục được những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, làm được những việc tưởng chừng không thể làm nổi. Từ đó, tạo lên bước tiến vượt bậc về khả năng và sức mạnh chiến đấu.
Ðó là tinh thần tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan, duy ý chí, luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn; không thay đổi mục tiêu tiêu diệt địch, nhưng kiên quyết phải thay đổi cách đánh cho phù hợp để giành thắng lợi, cho dù cách đánh ấy đã thành nghị quyết và đang triển khai thực hiện. Ðây còn là tinh thần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của cá nhân.
Phát huy tinh thần Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, trong những năm qua, Sư đoàn 5 đã thường xuyên chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm cao trong huấn luyện, công tác và sẵn sàng chiến đấu; coi trọng việc huy động cao nhất sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; giữa cán bộ và chiến sĩ; giữa đơn vị với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các đơn vị kết nghĩa và đơn vị bạn. Nhờ đó, Sư đoàn luôn tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn Sư đoàn; tranh thủ sự giúp đỡ rất lớn từ các địa phương, đơn vị kết nghĩa và đơn vị bạn để hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị.
Bên cạnh đó, Sư đoàn 5 còn thường xuyên quán triệt, vận dụng tốt nghệ thuật quân sự và sự sáng tạo, phát triển thực tiễn trong Chiến thắng Ðiện Biên Phủ vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị hiện nay. Sư đoàn đặc biệt coi thực tiễn đơn vị là cơ sở cốt lõi để đổi mới tư duy, phân tích, bổ sung biện pháp trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Qua đó, hằng năm, các cơ quan, đơn vị đều thi đua sáng tạo ra nhiều mô hình, sáng kiến hiệu quả được áp dụng và nhân rộng. Trong đó, nhiều sáng kiến được công nhận và áp dụng rộng rãi cấp Quân khu và toàn quân. Thực hiện nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn 5 luôn thực hành huấn luyện theo đúng phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện thể lực, tác phong chính quy và chấp hành kỷ luật. Vì thế, kết quả huấn luyện, diễn tập hằng năm Sư đoàn luôn được Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 đánh giá cao, nhiều trung đoàn, tiểu đoàn liên tục nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng công nhận “Ðơn vị huấn luyện giỏi”.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, Sư đoàn 5 tiếp tục phát huy kết quả đợt thi đua cao điểm “Ra sức luyện quân, lập công, quyết thắng” chào mừng kỷ niệm 65 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7.5.1954- 7.5.2019), 60 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 - 19.5.2019), hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; xứng đáng là những người con thân yêu của “miền Ðông gian lao mà anh dũng”, xứng đáng với truyền thống đơn vị 2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; truyền thống “Ðoàn kết trung dũng, cơ động linh hoạt, tự lực tự cường, đánh thắng mọi kẻ thù”; xứng đáng là đơn vị vững mạnh toàn diện điểm của toàn quân.
Xuân Thu