Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tính toán quyền lực của Putin khi sửa hiến pháp
Thứ năm: 19:08 ngày 16/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với việc giảm bớt quyền của tổng thống, Putin được dự đoán sẽ tiếp tục nắm quyền lực với vai trò mới sau khi hết nhiệm kỳ năm 2024.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 15/1 thông báo ông cùng toàn bộ quan chức chính phủ từ chức, không lâu sau khi Tổng thống Vladimir Putin đề xuất sửa hiến pháp để tăng quyền lực cho thủ tướng và quốc hội. Điều khoản sửa đổi đáng chú ý trao cho Hạ viện Nga quyền chọn thủ tướng và các vị trí cấp cao trong nội các, vốn thuộc về tổng thống.

Việc san sẻ quyền của tổng thống cho thủ tướng và quốc hội có thể là dấu hiệu về một sự thay đổi quyền lực đã được suy đoán từ lâu ở Nga, giới chuyên gia nhận định.

Tổng thống Nga Putin phát biểu trước Hội đồng Nhà nước ngày 15/1. Ảnh: AP.

Các nhà phê bình cho rằng Putin đang tính toán nhiều kịch bản khác nhau để nắm quyền điều hành đất nước sau khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc vào năm 2024, trong đó có cả khả năng ông trở thành thủ tướng với quyền hành lớn hơn.

Tương tự năm 2008, Putin đã từ tổng thống chuyển sang làm thủ tướng để "lách" điều khoản hiến pháp cấm một người đảm nhận trên hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp. Lúc bấy giờ, Putin được cho là người đưa ra mọi quyết sách quan trọng phía sau tổng thống Medvedev, đồng minh thân cận nhất của ông.

Trong thông báo hôm qua, Thủ tướng Medvedev cũng cho biết việc các quan chức chính phủ từ chức là nhằm dọn đường cho những cải cách mà Tổng thống Putin đề xuất.

Tổng thống Putin "nêu ra những thay đổi cơ bản về hiến pháp, những thay đổi quan trọng không chỉ với một số điều khoản hiến pháp mà còn với sự cân bằng quyền lực nói chung", Thủ tướng Medvedev cho hay. "Trong bối cảnh đó, rõ ràng, chúng tôi, chính phủ... nên cung cấp cho Tổng thống khả năng thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết" để thực hiện các thay đổi. Tất cả quyết định tiếp theo sẽ đều thuộc về Tổng thống".

Putin sau đó đã đề cử lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Mikhail Mishustin làm thủ tướng. Hạ viện Nga sẽ bỏ phiếu bầu thủ tướng tiếp theo của đất nước vào ngày 16/1.

"Theo tôi, đây là sự hợp tác giữa Putin và Medvedev", Valeriy Akimenko, nhà nghiên cứu lâu năm về Nga hiện công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Xung đột, nhận xét. "Medvedev không phải một chính trị gia độc lập ở bất kỳ khía cạnh nào và không tạo ra làn sóng chống lại Putin trong thời gian ông làm tổng thống. Giống như năm 2008, lần này có vẻ như cũng là một thỏa thuận giữa hai bên".

Nhưng không phải nhà phân tích nào cũng tin Putin sau cùng sẽ thu xếp để mình trở thành thủ tướng. Oleg Ignatov, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Đương đại có trụ sở ở Moskva, lưu ý rằng ông chủ Điện Kremlin cũng đề cập tới việc thay đổi vai trò của Hội đồng Nhà nước, cơ quan đang giữ vai trò cố vấn cho tổng thống Nga.

"Có đồn đoán rằng Putin sẽ lãnh đạo Hội đồng Nhà nước thay vì trở thành tân thủ tướng", Ignatov nói. "Nếu điều đó xảy ra, có khả năng lời nói của ông ấy sẽ là mệnh lệnh. Ông ấy sẽ không mấy quan tâm tới những chi tiết kỹ thuật, nhưng mọi thứ sẽ do Putin kiểm soát".

Akimenko đồng tình rằng vai trò như vậy sẽ có lợi cho Putin hơn. "Vai trò tương lai của Hội đồng Nhà nước hiện chưa được xác định, song nó có thể trở thành một cơ quan trọng tài, nghĩa là khi nảy sinh tranh cãi, Hội đồng Nhà nước sẽ có tiếng nói cuối cùng".

Theo giới quan sát, việc Thủ tướng Medvedev và các quan chức chính phủ Nga bất ngờ đồng loạt từ chức bên cạnh việc Putin đề xuất thay đổi hiến pháp vừa mang đến sự rõ ràng nhưng cũng phủ màn sương mơ hồ lên chính trường Nga.

Điều rõ ràng là Putin sẽ từ chức sau khi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai liên tiếp kết thúc vào năm 2024 như quy định của hiến pháp. "Vì sao Putin lại đề xuất giảm quyền lực của tổng thống nếu như không phải ông ấy muốn thu hẹp quyền hạn của người kế nhiệm mình", bình luận viên Roland Oliphant từ Telegraph nhận định.

Nhưng chính xác cán cân quyền lực giữa nhánh hành pháp và nhánh lập pháp của chính phủ sẽ thay đổi ra sao và Putin sẽ đặt mình vào vị trí nào trong sự sắp xếp đó là câu hỏi chưa lời đáp. Tình trạng mơ hồ này dường như được cố tình tạo ra, Oliphant suy đoán.

Nó khiến các đối thủ không chắc chắn liệu quyền lực sẽ nằm ở đâu vào lúc Putin rời ghế. Đây là điều tốt với Putin khi ông đang cố gắng tối đa hóa quyền kiểm soát đất nước ở những năm cuối nhiệm kỳ tổng thống, nhưng lại gây khó khăn cho bất kỳ ai đang muốn hướng tới thực hiện các kế hoạch lâu dài như hoạch định chính sách kinh tế Nga.

Đồn đoán sẽ tập trung vào hai phương án được Tổng thống Putin đưa ra là biến Hội đồng Nhà nước thành một cơ quan chính thức được thừa nhận trong hiến pháp và chuyển Medvedev sang làm cấp phó cho ông tại Hội đồng An ninh Quốc gia.

Nikolai Petrov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chatham House, nhận định Putin đang muốn duy trì quyền kiểm soát đối với bộ máy an ninh quốc gia nhiều quyền lực của Nga ngay cả khi ông rời Điện Kremlin và cân bằng quyền lực giữa tổng thống với quốc hội.

Một khả năng khác là Putin có thể đang tìm cách xây dựng một vai trò giống như lãnh đạo tối cao ở trên hoặc song hành với tổng thống, tương tự Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Khamenei.

"Dù vậy, tôi nghĩ khả năng Putin trở thành thủ tướng vẫn lớn hơn", Akimenko nói.

Lúc đó, "ai trở thành tổng thống không còn quan trọng bởi chiếc ghế tổng thống đã không còn quan trọng", Sam Greene, lãnh đạo Viện Nga tại Đại học Hoàng gia London, đánh giá.

Nguồn VNE (Theo CNN, Telegraph)

Tin cùng chuyên mục