Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chó là loài động vật khôn ngoan, gần gũi với con người nên được nhiều gia đình chọn nuôi để giữ nhà, làm cảnh… Thế nhưng, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, tốc độ đô thị hoá nhanh, người nuôi chó cần phải sớm thay đổi thói quen trong việc quản lý chó, không thể để chó chạy rông như trước đây được nữa.
Hiện nay, mặc dù pháp luật đã có những quy định cụ thể cho việc nuôi, quản lý chó; trách nhiệm của chính quyền địa phương, của người nuôi chó; nghĩa vụ phải tiêm ngừa, và bảo đảm vệ sinh môi trường khi nuôi chó… Thế nhưng, hầu như việc quản lý chó nuôi ở các địa phương, nhất là tại khu vực đô thị ở thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành vẫn chưa được thực hiện nghiêm ngặt.
Anh Lê Thanh Bình- ngụ thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành rất bức xúc trước tình trạng chó nuôi được thả rông hiện nay. Bởi chính anh từng bị một con chó chạy rông trên đường cắn phải, khiến anh vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian đi chích ngừa.
Nhiều người cho rằng, tại các vùng đô thị- nơi có đông người sinh sống và có nhiều phương tiện lưu thông, các người nuôi cần phải có biện pháp nhốt chó, không được thả rông chạy ngoài đường, có thể cắn người hoặc gây tai nạn giao thông. Hậu quả, người bị chó cắn có thể tử vong nếu chó có bệnh dại, hoặc bị chấn thương nặng khi đụng phải chó khi tham gia giao thông.
Một nhân viên vệ sinh môi trường khu vực chợ Long Hoa cho biết, nhiều người nuôi chó tại các khu phố thiếu ý thức đến nỗi thường xuyên đưa chó ra các dải phân cách trồng cây cảnh để phóng uế, vừa tạo hình ảnh phản cảm, vừa mất vệ sinh. Chuyện dẫm phải phân chó ở đây cũng xảy ra rất thường xuyên.
Theo ông Nguyễn Văn Mấy- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, năm 2016, đội bắt chó chạy rông của đơn vị này đã thực hiện 25 chuyến tại các huyện, thành phố. Kết quả, bắt được 295 con chó chạy rông, xử phạt hành chính người nuôi 233 trường hợp, với tổng số tiền xử phạt 43,5 triệu đồng. Từ đầu năm 2017, đội bắt chó chạy rông tiếp tục thực hiện được 10 chuyến, bắt được 122 con, xử phạt hành chính 40 người nuôi với số tiền phạt 7,3 triệu đồng.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, trên địa bàn mỗi huyện, thành phố, đội thực hiện từ 1 đến 2 chuyến bắt chó chạy rông. Chó chạy rông sau khi bị bắt được mang về Trạm chăn nuôi và thú y địa phương tạm giữ, chờ chủ nuôi đến xử lý trong 48 giờ. Sau 48 giờ tạm giữ, những con chó không có chủ đến nhận và chịu xử phạt hành chính về hành vi để chó chạy rông sẽ bị bán thanh lý, nộp vào ngân sách.
Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng có mức phạt từ 100 ngàn đến 300 ngàn đồng; để gia súc, gia cầm hoặc các loài động vật nuôi phóng uế nơi công cộng có mức phạt từ 100 ngàn đến 300 ngàn đồng.
Nhiều người cho rằng, có thể vì mức phạt còn nhẹ và chính quyền chưa thực sự quan tâm, chưa mạnh tay xử lý, nên nhiều người nuôi chó vẫn “vô tư” thả chó hoặc cho chó phóng uế bừa bãi ngoài đường. Do đó, thời gian tới, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần có biện pháp nghiêm khắc, đủ tính răn đe hơn để chấn chỉnh tình trạng chó thả rông, phóng uế nơi công cộng.
THIÊN TÂM