Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ NN&PTNT:
Tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021
Thứ sáu: 08:17 ngày 25/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 24.12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021. Đến dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội, có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có ông Võ Đức Trong–Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trần Văn Chiến–Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến.

Năm 2020, ngành Nông nghiệp với quyết tâm cao hơn, sáng tạo hơn, đồng bộ hơn để đạt được các mục tiêu phát triển trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp… với các giải pháp đồng bộ, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 2,65%, tăng trưởng giá trị sản xuất khá cao trên hầu hết các lĩnh vực.

Ngành đã kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo); thặng dư thương mại ước đạt 10,3 tỷ USD.

Nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2020, thành lập mới được 14 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.555 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 17.300 HTX nông nghiệp; thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp.

Ông Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị.

Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ… Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện đã có 5.506 xã (bằng 62%), 173/664 huyện (bằng 26%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đã có 12 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập người dân ở nông thôn đã đạt 43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn chỉ còn 4,2%.

Với vai trò là cơ quan thường trực, công tác phòng chống thiên tai đã được ngành Nông nghiệp chủ động triển khai thực hiện. Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời tham mưu ưu tiên bố trí các nguồn lực nhằm kịp thời phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Qua đó, đã sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết “Năm 2020 là một năm đầy gian nan, thử thách chưa từng có, một năm vượt khó đi lên với sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị, toàn ngành, các doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân. Chúng ta đã căn bản đạt được các mục tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ, bảo đảm an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho lao động xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid, tạo ra tiền đề tốt hơn cho giai đoạn phát triển tới đây”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải biến nguy cơ thành thời cơ, trong đó, nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi với thiên nhiên và đặc biệt, năm 2020 chúng ta có thời cơ lớn, đó là việc Việt Nam tham gia 14 hiệp định tự do (FTA), trong đó, có 3 hiệp định: CPTPP, EVFTA, RCEP.

Mục tiêu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp khoảng 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 3%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng đạt mức 42%, đặc biệt nâng cao chất lượng rừng.

Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%. Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có gần 20.00 HTX nông nghiệp, trong đó trên 16.500 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người nông dân tăng gấp 1,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn miền núi còn dưới 5%.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giải phóng lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo sản xuất.

Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2021- 2025 cho ngành Nông nghiệp, phấn đấu đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước như định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 của Quốc hội.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục