Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Công an tỉnh:
Tổ chức hội thảo về luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng 2 dự án luật
Thứ sáu: 09:47 ngày 11/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 9.3, Công an tỉnh tổ chức hội thảo khoa học luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng 2 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đến dự có ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội thảo.

Các đại biểu tham dự buổi hội thảo.

Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự, hạt nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.

Trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng chứng minh, khi cần huy động lực lượng lớn người để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thì các lực lượng như Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng và đặc thù Tây Ninh còn có lực lượng tuần tra nhân dân.

Đây là những lực lượng bán chuyên trách đã được hình thành, tổ chức tốt, trang bị đầy đủ, luôn ở tuyến đầu cùng tham gia, hỗ trợ với lực lượng nòng cốt Y tế, Công an, Quân đội… bảo vệ hiệu quả an ninh trật tự tại các địa điểm, nơi giãn cách, phong toả để phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh. Các mô hình, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở mang lại hiệu quả, nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Trước yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng tinh gọn đầu mối, gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức ở cơ sở, giảm chi ngân sách Nhà nước; đồng thời bảo đảm thực hiện tốt quy định Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh Công an chính quy được bố trí chuyên trách tại 100% xã, phường, thị trấn đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở thì việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở rất cần thiết, phù hợp, pháp lý hoá vai trò của lực lượng này.

Khi Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng bảo vệ dân phố đã nỗ lực tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đại dịch.

Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực khác nhau: an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ. Sau thời gian triển khai thực hiện, luật đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác thực hiện; không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung như: giải quyết tai nạn giao thông, tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên tuyến giao thông, cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông…

Theo số liệu từ Bộ Công an, nguyên nhân gây tai nạn do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Từ góc độ quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, Bộ Công an nhận thấy những bất cập trong pháp luật dẫn đến tình hình trật tự an toàn giao thông còn nhiều diễn biến phức tạp nên mạnh dạn phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ thống nhất đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật: Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hoá giao thông hiện đại và xây dựng Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải…

Ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, Bộ Công an chủ động đề xuất với Chính phủ và nhận trách nhiệm xây dựng 2 dự án luật để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý giúp tổ chức lại các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc để Công an nhân dân thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ của đất nước. Các đại biểu cần bổ sung, làm rõ các cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý, khoa học, nhất là vấn đề thực tiễn ở địa phương giúp Công an tỉnh tập hợp báo cáo Bộ Công an hoàn thiện 2 dự án luật.

Nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ (ảnh minh hoạ).

Tại hội thảo khoa học, các đại biểu đã tham gia đóng góp 14 ý kiến, làm rõ một số vấn đề xoay quanh sự cần thiết của việc xây dựng 2 dự án luật; vị trí, vai trò và tầm quan trọng của dự án luật trong đời sống xã hội và công tác bảo đảm an ninh trật tự; nghiên cứu, xác định các luận cứ khoa học và thực tiễn làm căn cứ để xây dựng luật; phân tích, làm rõ cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm và những vấn đề trọng tâm cần được quan tâm, chú ý, phương hướng xây dựng, hoàn thiện; các vấn đề cần phải điều chỉnh, sửa đổi trong 2 dự thảo luật…

Các đại biểu đã có ý kiến bổ sung cơ sở thực tiễn từ địa phương, có căn cứ khoa học và lý luật với nhiều nội dung thiết thực, đóng góp thêm các nội dung chi tiết trong 2 dự thảo luật. Công an tỉnh sẽ nhanh chóng tập hợp ý kiến, báo cáo gửi Bộ Công an để hoàn thiện hồ sơ 2 dự án luật.

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục