Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thường trực HĐND tỉnh:
Tổ chức phiên giải trình về công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh
Thứ năm: 15:18 ngày 18/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 17.4, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về công tác tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non, gắn với phát triển hệ thống cơ cơ sở mầm non trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Tâm- Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch Phan Thị Điệp, Nguyễn Thanh Phong đồng chủ trì phiên giải trình.

Tham dự còn có ông Huỳnh Thanh Phương- Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Nhiếm- Phó Chủ tịch UB.MTTQ Việt Nam tỉnh.

Giáo viên mầm non: Nhiều áp lực, thiếu ưu đãi

Báo cáo chung về các nội dung liên quan tại phiên giải trình, Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Thị Lệ cho biết, năm học 2018-2019 tổng số biên chế ngành giáo dục được giao là 2.090 người, đã tuyển dụng được 214 giáo viên.

Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Thị Lệ trả lời những nội dung chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh.

Số giáo viên mầm non đã ký hợp đồng là 35 người, chỉ tiêu hợp đồng được duyệt là 375 (tỷ lệ 9,3% so với kế hoạch). Tổng số trường mầm non trên địa bàn tỉnh hiện có là 137 trường, trong đó có 18 trường tư thục, 119 trường công lập.

Lãnh đạo ngành GD&ĐT nhìn nhận một số khó khăn như: chỉ tiêu tuyển sinh vào Trường CĐSP Tây Ninh ngành học mầm non không đạt chỉ tiêu theo kế hoạch, số sinh viên được đào tạo tại địa phương không tham gia hợp đồng mặc dù có chỉ tiêu hợp đồng, số giáo viên hợp đồng giảng dạy ở các trường mầm non công lập rất ít. Công tác bố trí, sắp xếp, ổn định đội ngũ giáo viên mầm non ở các trường gặp nhiều khó khăn.

Đa số giáo viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, số giáo viên có kinh nghiệm do áp lực công việc nên đã xin thôi việc, thuyên chuyển công tác gây ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định tổ chức, chất lượng chăm sóc, nuôi dạy ở các trường. Mặt khác, do thiếu giáo viên nên tỷ lệ bố trí học sinh trên lớp khá cao, dẫn đến áp lực đè nặng cho giáo viên.

Một trong những nguyên nhân được lãnh đạo ngành GD&ĐT chia sẻ thêm, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực trong giảng dạy và chăm sóc trẻ do thời gian làm việc thực tế hằng ngày của giáo viên mầm non hơn 8 giờ/ngày nhưng khó có thể thanh toán tiền làm thêm giờ (nhận trẻ trước 6 giờ 30 và trả trẻ có khi hơn 17 giờ- NV). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc không hợp đồng giáo viên mầm non và chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên mầm non của Trường CĐSP Tây Ninh luôn không đạt.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp nêu ý kiến xung quanh những bất cập trong lĩnh vực mầm non tại phiên giải trình.

Mặt khác, thời gian hợp đồng giáo viên mầm non là 3 năm không mang tính bền vững, nhiều sinh viên ngành học Mầm non băn khoăn khi hết thời hạn hợp đồng 3 năm thì có tiếp tục được hợp đồng hoặc được tuyển dụng không. Mức lương và chính sách ưu đãi khác hầu như không có dẫn đến nhiều huyện không hợp đồng được giáo viên dạy.

Nguy cơ lãng phí nguồn lực đầu tư

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm nhận xét, qua phần giải trình của Giám đốc Sở GD&ĐT và đại diện của các sở liên quan, Thường trực Hội đồng ghi nhận sự nỗ lực tích cực của các cơ quan chức năng và địa phương trong triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017 – 2020 (Đề án 642), phần nào đã góp phần giải quyết tình trạng trẻ em lứa tuổi mầm non ra lớp còn rất thấp của tỉnh. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả bước đầu, việc triển khai thực hiện Đề án 642 còn khá nhiều bất cập dẫn đến khả năng không đạt mục tiêu đề ra, có nguy cơ lãng phí nguồn lực đầu tư. Qua thảo luận cho thấy có nguyên nhân khách quan do cơ chế, chính sách cho lĩnh vực giáo dục mầm non, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc xây dựng và triển khai Đề án không đồng bộ giữa đầu tư cơ sở vật chất với cơ chế tuyển dụng giáo viên và cơ chế sử dụng kinh phí chi lương cho giáo viên hợp đồng, dẫn đến tình trạng trường, lớp đầu tư xây dựng xong nhưng không vận hành được.

Sự phối hợp giữa các sở chức năng và UBND cấp huyện chưa chặt chẽ. Song song đó, Sở GD&ĐT là cơ quan chủ trì tham mưu UBND tỉnh nhưng chưa chủ động thực hiện việc theo dõi, đánh giá tiến độ, mục tiêu đầu tư để kịp thời có đề xuất, kiến nghị điều chỉnh bất cập phát sinh.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm phát biểu kết luận buổi làm việc.

Các đơn vị thụ hưởng có tình trạng chạy theo thành tích trong đầu tư, chưa quan tâm phối hợp trong giải quyết các vướng mắc về cơ chế tuyển dụng, kinh phí cho giáo viên. Sở Tài chính chưa chủ động trong bố trí, hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện đề án (theo phân công trong Đề án 642).

Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đã kéo dài nhiều năm, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó đạt mục tiêu của Đề án nhưng chưa được đánh giá và đề ra giải pháp hợp lý để tháo gỡ; Sở GD&ĐT cũng chưa có sự phối hợp tốt với Sở Nội vụ giải quyết các vấn đề bất cập trong việc phân bổ, sử dụng biên chế sự nghiệp, đặc biệt đối với khối giáo dục mầm non.

Từ những bất cập vừa nêu, để các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn phát huy hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ tăng tỉ lệ trẻ em mầm non ra lớp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị lãnh đạo ngành GD&ĐT và các cơ quan chức năng có liên quan một số vấn đề. Trong đó đáng chú ý là khẩn trương tham mưu sơ kết việc triển khai thực hiện Đề án 642 trong thời gian qua, tập trung phân tích kỹ các nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng bất cập hiện nay.

Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án, rút kinh nghiệm trong phân công, phân nhiệm để thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong thời gian tới. Rà soát lại quy hoạch, kế hoạch, phân bổ trường lớp trên địa bàn các huyện đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn; yêu cầu sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công theo Nghị quyết 19 của Trung ương, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ về kinh phí, biên chế ở đơn vị sự nghiệp công, chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang ngoài công lập ở nơi có điều kiện để dành nguồn lực cho vùng khó khăn.

Đức An

Tin cùng chuyên mục