Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các nhà khoa học đã nuôi cấy thành công và chụp ảnh chi tiết sinh vật quái dị có thể là vị "thủy tổ" lâu đời nhất của con người và muôn loài.
Trong các bức ảnh được nhóm nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi tiến sĩ Jan Löwe từ Phòng thí nghiệm sinh học phân tử của Hội đồng Nghiên cứu y khoa (MRC - Anh) là một dạng sống quái dị với những xúc tu kỳ lạ, trông không khác gì sinh vật ngoài hành tinh được mô tả trong phim ảnh.
Đó là một sinh vật sống được hồi sinh từ thế giới hàng tỉ năm về trước - cổ khuẩn Asgard.
Hình ảnh thực chụp cổ khuẩn Asgard vừa được nuôi cấy thành công. Ảnh: TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIENNA
Cổ khuẩn Asgard, với những bằng chứng lâu đời nhất từ trầm tích lên tới 2,7 tỉ năm, là một trong những sinh vật sơ khai nhất của Trái Đất, từng được cho là họ hàng lâu đời nhất của sinh vật nhân thực, tức sinh vật gồm các tế bào phức tạp, trong đó vật liệu di truyền được sắp đặt trong nhân có màng bao bọc.
Theo Live Science, sinh vật nhân thực nằm ở vị trí tổ tiên của hầu hết các loài trên Trái Đất ngày nay trên cây tiến hóa, bao gồm chúng ta. Và Asgard, một sinh vật chưa mang nhân, được xác định là tổ tiên cao hơn của sinh vật nhân thực vì chứa một bộ gien và protein y như nhóm "con cháu" này.
Việc tái tạo cổ khuẩn Asgard sẽ giúp trả lời câu đố về bước nhảy vọt tiến hóa: Nó đã làm thế nào để biến thành một sinh vật với tế bào có nhân, khởi nguồn cho một loạt quá trình tiến hóa phức tạp mà kết quả sau cùng là những loài "cao cấp" bao gồm con người?
Loài cổ khuẩn Asgard được lựa chọn là Lokiarchaeum ossiferum, mà các nhà khoa học đã mất tận 6 năm để có thể tạo nên một cộng đồng trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, khi đã vượt qua trở ngại lớn nhất, họ tự tin có thể tạo được một hệ sinh thái cổ khuẩn đủ cho các thí nghiệm đầy tham vọng tiếp theo, vì nó phát triển nhanh, tăng gấp đôi số lượng tế bào chỉ trong 7-14 ngày.
Ảnh đồ họa mô tả cơ thể của sinh vật như ngoài hành tinh và là tổ tiên lâu đời của chúng ta. Ảnh: ĐẠI HỌC UTAH
Vị tổ tiên vừa được hồi sinh đã được ghi hình lại, cho thấy một cơ thể phức tạp. Chúng bắt con mồi - là những vi khuẩn - bằng cách sử dụng những xúc tu và giác hút, như một con bạch tuộc, nhưng không phải bạch tuộc của Trái Đất. Nhà vi trùng học môi trường người Hà Lan Thijs Ettema từ Trường Đại học Wageningen, người không tham gia nghiên cứu, nhận định chúng "như đến từ hành tinh khác".
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science.
Theo NLĐO