Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Toàn văn Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 27-NQ/TW), Kết luận số 64-KL/TW ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (sau viết tắt là Nghị quyết số 64-KL/TW), Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Quốc hội (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 104/2023/QH15) và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
b) Xác định các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương) và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII và nhiệm vụ tại Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII.
c) Bảo đảm việc xây dựng và triển khai đúng tiến độ, chất lượng các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
d) Xác định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương
2. Yêu cầu
a) Xác định cụ thể các nội dung nhiệm vụ, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cấp trình, tiến độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
b) Nội dung nhiệm vụ gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, qua đó xác định rõ trách nhiệm, vai trò chủ trì, phối hợp trong việc triển khai thực hiện.
c) Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả.
II. NỘI DUNG
1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XII, Kết luận số 64-KL/TW và Nghị quyết số 104/2023/QH15; quán triệt thống nhất nhận thức, đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
2. Báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã
3. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Danh mục chức danh, chức vụ tương đương thuộc phạm vi quản lý để làm căn cứ thực hiện chính sách tiền lương mới
a) Xây dựng Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong lực lượng vũ trang.
b) Rà soát sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý cán bộ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Danh mục Bộ Chính trị ban hành tại Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị; bảo đảm kế thừa, ổn định trong tổ chức bộ máy; chỉ điều chuyển những vị trí thực sự bất hợp lý hoặc chưa được sắp xếp; một người đảm nhiệm nhiều chức vụ thì lấy chức vụ cao nhất để xác định chức danh tương đương.
4. Xây dựng Tờ trình về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, tác động khi cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội
5. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
a) Xây dựng 3 bảng lương và phụ cấp đối với lực lượng vũ trang.
b) Hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chế độ tiền lương mới.
c) Xây dựng Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
d) Xây dựng Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
đ) Xây dựng Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, các chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát và Kiểm toán.
e) Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới theo thẩm quyền được giao tại Quyết định của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới.
6. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chính sách tiền lương mới đối với khu vực doanh nghiệp
a) Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia theo quy định của Bộ luật Lao động.
b) Ban hành Nghị định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước.
7. Tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Quyết định của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương mới.
8. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo gắn với cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Nhiệm vụ chung của các ban, bộ, ngành trung ương
a) Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện sâu rộng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị về cải cách chính sách tiền lương.
b) Tiếp tục rà soát, sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục do Bộ Chính trị ban hành bảo đảm sự kế thừa, ổn định của tổ chức bộ máy theo quy định tại Kết luận số 35-KL/TW.
c) Xây dựng và phê duyệt Danh mục vị trí việc làm thuộc phạm vi quản lý (trước ngày 31 tháng 3 năm 2024).
d) Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo gắn với cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan:
- Báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế của hệ thống chính trị thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã trong quý I năm 2024.
- Hướng dẫn thực hiện vị trí việc làm trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị (trước ngày 31 tháng 3 năm 2024).
- Xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sau khi có Kết luận của Bộ Chính trị về các nội dung của chế độ tiền lương mới; tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới.
b) Đề nghị Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:
- Xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, các chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán sau khi có Kết luận của Bộ Chính trị về các nội dung của chế độ tiền lương mới; tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới.
- Hướng dẫn thực hiện vị trí việc làm trong các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước trước ngày 31 tháng 3 năm 2024.
c) Các Bộ:
- Bộ Nội vụ (Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương) chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan liên quan:
+ Xây dựng Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, tác động khi cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, trình Ban cán sự đảng Chính phủ trong tháng 01 năm 2024.
+ Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sau khi có Kết luận của Bộ Chính trị về các nội dung của chế độ tiền lương mới; tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới.
+ Xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương theo Kết luận số 64-KL/TW (sau năm 2024).
+ Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Kế hoạch.
+ Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai Kế hoạch có hiệu quả, đồng bộ các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan:
+ Xây dựng Báo cáo các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới đối với khu vực doanh nghiệp, tác động khi cải cách tiền lương đến chính sách bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
+ Xây dựng Nghị định của Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
+ Xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước; tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới (nếu có).
+ Xây dựng các văn bản quy định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội cho phù hợp với chế độ tiền lương mới.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan:
+ Hướng dẫn việc tính toán, cân đối các nguồn kinh phí để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
+ Rà soát, đề xuất việc hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với chế độ tiền lương mới.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì:
+ Xây dựng Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong lực lượng vũ trang, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị trong tháng 01 năm 2024.
+ Đề xuất và phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 01 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 01 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; 01 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang.
- Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW khóa XII, Kết luận số 64-KL/TW và Nghị quyết số 104/2023/QH15.
d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị tại địa phương trong việc cải cách chính sách tiền lương.
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục do Bộ Chính trị ban hành; bảo đảm sự kế thừa, ổn định của tổ chức bộ máy theo quy định tại Kết luận số 35-KL/TW.
- Xây dựng và phê duyệt Danh mục vị trí việc làm thuộc phạm vi quản lý (trước ngày 31 tháng 3 năm 2024).
- Triển khai các chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật về việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đảm bảo thời gian quy định.
- Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo gắn với cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung các nội dung của Kế hoạch trong quá trình tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ
(Kèm theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
Nguồn chinhphu